1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Kích cầu, Chính phủ cần “dài hơi”

(Dân trí) - “Việc tung một lượng tiền lớn vào lưu thông qua kích cầu như hiện nay cũng là một yếu tố có thể gây lạm phát trở lại” - Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội, Hà Văn Hiền cho rằng các giải pháp chống suy thoái của Chính phủ cần thêm cái nhìn dài hạn.

Với những gói kích cầu được xem là công cụ chủ chốt để chặn suy giảm kinh tế, ông nhận xét gì về giải pháp điều hành của Chính phủ thời gian qua?

Theo tôi, những giải pháp vừa qua được thực hiện thời gian còn rất ngắn. Với một nền kinh tế thì đó vẫn chưa đủ để đánh giá hiệu quả ở mức độ nào. Tuy nhiên, cái nhìn rõ nhất là những giải pháp đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ lãi suất, vấn đề bảo lãnh, cho vay… chúng tôi cho rằng bước đầu đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

Những giải pháp đưa ra đến giờ là kip thời và cần thiết. Vấn đề hiện tại là khâu tổ chức thế nào để những biện pháp đó thực hiện được. Làm sao để tiền vốn của nhà nước đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích để mang lại hiệu quả. Hỗ trợ lãi suất nhưng mục đích để trả nợ thì không đúng mục tiêu đề ra.
 
Kích cầu, Chính phủ cần “dài hơi” - 1
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền

Nhiều đại biểu qua các buổi làm việc đầu tiên của kỳ họp đã nêu vấn đề QH cần “chỉnh” Chính phủ vì các giải pháp “ngắn nhìn”, chưa có phương án, kịch bản cho hậu suy thoái?

Đúng vậy. Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế cũng đã đặt vấn đề, từ cuộc khủng hoảng đã bộc lộ những điểm yếu, mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế. Bên cạnh việc chống suy giảm, Chính phủ cũng phải có báo cáo tổng thể nền kinh tế đặt trong mối quan hệ khi hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới để có chiến lược tổng thể. UB Kinh tế đề cập đến cả cấu trúc, lựa chọn nguồn lực phát triển trong thời gian tới.

Tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế. Đặt vấn đề đưa ra những giải pháp để chống suy giảm kinh tế hiện tại mang tính ngắn hạn nhiều. Nhưng như vậy chưa đủ, chúng ta cần có ngay những giải pháp dài hạn để chuẩn bị cho những bước tiếp theo khi nền kinh tế đã hồi phục. Kể cả những chính sách hiện nay khi đưa ra để xử lý tình thế thì cũng cần có những nội dung đặt mục tiêu dài hạn.

Tổng giá trị gói kích cầu lên tới 143 nghìn tỷ đồng. Mức tung tiền ra thị trường hiện tương đối nhanh trong khi tốc độ giải ngân, hiệu quả cũng chưa được nâng cao. Vấn đề của hậu suy thoái, như nhiều đại biểu đề cập, là nguy cơ tái lạm phát?

Việc tung một lượng tiền lớn vào lưu thông như hiện nay cũng là một yếu tố có thể gây lạm phát trở lại. Vậy nên khi đưa ra mục tiêu tổng quát cho những tháng còn lại của năm 2009 chúng ta có đặt ra vấn đề lấy chống suy giảm kinh tế là mục tiêu hàng đầu nhưng bên cạnh đó cũng phải phòng ngừa việc lạm phát quay trở lại. Và việc chống lạm phát thì ta đã có kinh nghiệm từ 2008.

Thưa ông, đến giờ mới nói đến tái lạm phát có muộn không khi cũng thời điểm kỳ hợp trước, khi một số đại biểu vừa cảnh báo nguy cơ giảm phát, nhiều ý kiến còn phủ nhận các dấu hiệu thì thực tế đã lập tức xảy ra?

Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến chống lạm phát có thể quay trở lại mà ta đã nói đến từ đầu năm và trong các giải pháp của Chính phủ, kể cả việc đề ra mục tiêu, chương trình cũng đã đề cập, một mặt là chống suy giảm, một mặt là phòng ngừa lạm phát quay trở lại.

Cũng có ý kiến cho rằng hiện trạng là vừa suy giảm, vừa lạm phát. Đến giờ áp dụng các giải pháp còn kịp?

Ngay từ cuối 2008 đã có tình trạng này rồi. Khi thực hiện các biện pháp chống lạm phát thì những tháng cuối năm, chỉ số lạm phát là âm thì suy giảm lại xuất hiện. Mà lạm phát, theo tôi không bao giờ hết. Vấn đề là chúng ta duy trì ở mức độ nào cho phù hợp với tất cả yêu cầu khác.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm