1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Khủng long biển”

Trăng rằm có màu hổ phách ngập tràn mặt biển Vũng Tàu bằng thứ ánh sáng xanh nhạt. Biển đẹp như trong 1 tấm bưu thiếp. Có đám thanh niên đốt lửa trại bên bờ biển, tàn lửa bắn lên trời như những con cánh cam sáng rực.

Đây chính là con
“khủng long biển”.

Đây chính là con “khủng long biển”.

Họ ngồi hát những bài ca tình yêu, chắc chắn vì sự hâm mộ lộ liễu với 1 cô gái khoác chiếc áo có vệt màu đỏ thắm như lưỡi lửa trên nền đen của bóng đêm. Cô đẹp đến nỗi nếu có sai sót ngẫu nhiên, thì cái mũi cao và đôi chân dài chắc sẽ xóa sạch. Cô ở giữa đám thanh niên với nụ cười kiểu Cleopatra, như thừa biết rằng đàn ông phải bám lấy cô như kiến sẽ bám theo đường. Thế rồi giữa lúc tiếng cười còn đang giòn tan, thì một chàng trai đứng dậy cáo từ. Cô gái có vẻ phật ý: “Mai là ngày nghỉ cơ mà!”. Một gã trai khác gạt phắt: “Thôi kệ hắn đi! Từ ngày có cái giàn khoan khổng lồ, tụi nó đâu có Chủ nhật!”

 

Khủng long biển
 

Mùa hè 1856, George Bissell, 1 người Mỹ thích phu lưu, đứng tránh nắng dưới mái hiên 1 tiệm thuốc tây trên đại lộ Broadway (New York). Anh ta nhìn thấy biển quảng cáo 1 loại thuốc được điều chế từ dầu mỏ có hình ảnh những giàn khoan mỏ muối. Ý tưởng sử dụng công nghệ khoan khai thác muối để khai thác dầu (thay vì đào giếng) lóe lên trong đầu Bissell. Khoảng khắc thiên tài đó bị nhiều người đương thời cho là điên rồ nhưng đã thành công ở vùng sông dầu miền tây Pennsylvania. Một dòng dầu mỏ tuôn trào và từ đó chưa bao giờ ngừng chảy. Đến năm 1928, lần đầu tiên người Mỹ đã khoan lấy dầu dưới đáy hồ Maracaibo (Venezuela). Từ đó hàng ngàn giàn khoan dầu đã mọc lên khắp vùng sa mac Trung Đông đến vùng biển lạnh Alaska. Chúng chính là những thành phố công nghiệp thu nhỏ được đặt nằm trên các đảo nhân tạo làm bằng sắt thép. Những tiếng nói mới nhất của KHKT đã được sử dụng để các giàn khoan đứng trên vùng địa chất yếu: bùn lỏng, đất sét, cát lún, ... nhưng vẫn chịu được những cơn giận dữ của biển, các trận bão có gió thổi với tốc độ hơn 200km/giờ, mang theo những ngọn sóng cao gần 30m. Giàn khoan dầu khí của PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tại mỏ Hải Thạch cũng là 1 con “khủng long” như thế. Điều đáng nói nhất nó là sản phẩm made in Việt Nam, lớn nhất Việt Nam.

 

Gọi là “giàn khoan,” thực ra nó là tổ hợp 1 giàn công nghệ trung tâm (PQP), 2 giàn đầu giếng Mộc Tinh-Hải Thạch cách nhau 20km và cách bờ biển Vũng Tàu 340 km, tổng khối lượng đến 60000 tấn! PQP có 1 khối thượng tầng, khối lượng 14000 tấn. Trên mặt sàn rộng bằng sân bóng đá (5000 m2) là 1 sân bay trực thăng, khu nhà ở cho 70 nhân viên và 1 trung tâm điều khiển gồm vô số các máy móc, thiết bị hiện đại. Riêng 2 máy phát dùng cho hệ thống nén khí vào bờ có thể cung cấp điện cho toàn bộ thành phố Vũng Tàu. Khối thượng tầng được đặt trên chân đế cao 138m, làm bằng thép carbon chất lượng cao, khối lượng 11000 tấn. Ngoài ra còn có 70km đường ống và 21km cáp ngầm. Toàn là những con số khủng!

 

Sáng ngày 28 tháng 6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã về Vũng Tàu dự lễ hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt chân đế giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch. Từ trên đường trượt, con khủng long này được kéo ra biển có độ sâu 133 m (chưa có giàn khoan nào ở Việt Nam hoạt động ở vùng nước sâu như thế). Chân đế sẽ bị “đánh chìm” và đóng chặt xuống đáy biển bởi 12 chiếc cọc thép dài 135m đường kính 2,1m, tổng khối lượng 5500 tấn. Còn khối thượng tầng PQP sẽ được đặt lên chân đế bằng 1 phương pháp cũng lần đầu tiên được 1 nhà tổng thầu ở Việt Nam thực hiện: float-over (sàn  nổi).

 

Những người liều lĩnh chắc chắn
 

Vào năm 2007, tập đoàn dầu khí Việt Nam thành lập Công ty dầu khí Biển Đông (BDPOC) để điều hành 1 dự án (Biển Đông 01) khai thác khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ đã thuê 1 công ty quản lý nước ngoài chuẩn bị đưa dự án ra đấu thầu quốc tế. Lúc đó M & C (Cty CP Dịch vụ cơ khí Hàng hải), con át chủ bài của TCy Dịch vụ kĩ thuật dầu khí (PTSC) thuộc PVN, đang ở đỉnh cao phong độ với việc thực hiện thành công hàng loạt dự án cho các khách hàng nổi tiếng BP, Talisman, ... Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó giám đốc M & C, người có cặp mắt đen như dầu thô chảy từ lòng đất, 1 kẻ “liều lĩnh chắc chắn” trong các vấn đề kĩ thuật, nói rằng: “Chúng tôi không phải những kẻ lạc quan ở trong trạng thái phởn phơ, nhưng chúng tôi cũng không thuộc hạng người luôn thắt chặt dây an toàn. Nguyên tắc vàng của Cty “Muốn đứng tại chỗ phải chạy thật nhanh.” Đổi mới luôn là mệnh lệnh của ngày hôm nay!”

 

Với tinh thần đó, đầu năm 2009, các nhà lãnh đạo của M & C đã từ Vũng Tàu bay ra Hà Nội, xin PVN cho nhận thi công dự án Biển Đông 01. Thế nhưng lòng nhiệt tình không giúp họ vượt qua ngưỡng sự quan ngại của các chuyên gia nước ngoài râu tóc bạc phơ. Họ khẳng định: “Việt Nam không làm được!” M & C đã từng làm những giàn khoan khai thác cỡ 1000 tấn, nhưng đây là giàn công nghệ trung tâm lớn gấp 10 lần và phức tạp gấp 100 lần. Lấy người ở đâu ra làm? Đặt chân vào lĩnh vực này M & C coi như lạc vào 1 vùng đất chưa xuất hiện trên bản đồ. Không kể thời gian hoàn thành dự án (29 tháng) là 1 thách thức ngạo mạn . Bắt đầu hàng chục cuộc họp triền miên suốt nửa năm trời từ Hà Nội vào Vũng Tàu. Không khí căng như sờ tay vào được. Thuyết phục những người có cá tính mạnh không bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, cuối cùng chủ đầu tư cũng nhận thấy đây là nhiệt huyết của những trí thức trong đầu đầy công thức toán, chứ không phải của các nhà hoạt động phong trào. Họ đã có 1 quyết định sáng suốt, táo bạo: Dự án Biển Đông 01 được giao cho người Việt Nam, cho M & C.

 

Anh Bùi Hoàng Điệp lúc làm GĐ dự án mới 32 tuổi, 1 người tự nhận có những ước mơ khiêm nhường. Kín đáo, cẩn thận, Điệp không dễ nhận phỏng vấn khi đứng bên ngoài bậc cửa. Hai giờ nói chuyện vào sáng Chủ Nhật với tôi là 1 cố gắng của anh, vì vợ Điệp nói: “Em cũng chỉ được 1 mẩu Chủ Nhật của anh ấy thôi!” Từ ngày có cái “Biển Đông”, Điệp cũng như các nhà lãnh đạo của M & C ngày làm việc mười mấy tiếng. Ở chỗ họ Chúa cũng không có ngày nghỉ. Họ phải giải quyết hàng đống vấn đề, có thứ tưởng bất lực như dùng dây thừng đẩy đồ vật. Đầu tiên là phải gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi), tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 50 tấn/m2! Đặt trên đó các đường trượt hạ thủy chịu được trọng lượng 1720 tấn/m (dài)! Có vị chuyên gia của 1 công ty gia cố nền móng sừng sỏ thế giới nặng hơn 1 tạ vì trọng lượng của trí tuệ và thói đê không kiềm chế nổi với chocolate, sau khi khảo sát chán chê đã phán chắc nịch: “35 tấn/m2 là khả năng cuối cùng!” Điệp cùng với các cộng sự của anh: Nguyễn Anh Dũng, Lê Ngọc Tâm, ... gõ cửa gần chục hãng thiết kế lớn trong và ngoài nước,  cuối cùng đã chứng minh rằng chocolate chưa chắc là tốt nhất cho trí tuệ! Bằng các phương pháp chưa bao giờ được sử dụng ở Việt Nam: tensar và đóng cọc nhồi đá (trên diện tích 13,8 hecta, họ khoan những lỗ đường kính 1m và 0,5 m, sâu 11 m, đổ đầy đá dăm rải đường) họ đã tạo ra mặt bằng có sức chịu tải lớn nhất Việt Nam – 53 tấn/m2. Các cần cẩu siêu trọng có sức nâng 1200 tấn có thể hoạt động an toàn trên nền móng này. Họ cũng từ chối những lời đề nghị quyến rũ của McDermott (Hoa Kỳ), 1 hãng xây dựng những công trình biển hàng đầu thế giới để tự mình làm thành công đường trượt có thể chịu tải 25000 tấn, cũng lại lớn nhất Việt Nam.

 

Giữa năm 2010 dự án vẫn cứ chập chờn, các nhà lãnh đạo tại PVN đã có quyết định thay đổi số phận của Biển Đông 01. Họ lấy nhiệm vụ mua sắm, thiết kế dự án về cho M & C. Từ đó M & C trở thành nhà tổng thầu EPCI (thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt ngoài khơi, đấu nối chạy thử). Sáng ngày 15 tháng 7 năm 2010, 30 kĩ sư thiết kế của M & C đổ bộ vào 1 nhà thầu thiết kế nổi tiếng Worley Parssons nằm trên tầng thứ 25 của 1 cao ốc ở Kuala Lumpuar, thủ đô Malaysia. Nhiệm vụ của họ là quản lý, thúc đẩy việc thiết kế Biển Đông 01 bị trì trệ bởi nhà thầu. Họ ở Malaysia 18 tháng ròng. Nhóm kĩ sư trẻ khiến các chuyên gia đã sói đầu của nhà thầu quốc tế nhiều lần thay đổi cảm xúc từ khó chịu đến kết thúc bằng nể trọng. Việc thiết kế được gia tốc, hồ sơ thiết kế của Biển Đông 01 có thể chất đầy 1 toa tàu hỏa.

 

Hải Thạch là mỏ khí đốt tự nhiên ở độ sâu lớn, áp suất rất cao, nhiệt độ của khí đầu vào rất thấp, nên phải có những vật tư và trang thiết bị đặc biệt: các đường ống phi tiêu chuẩn, những loại van ngầm ... thế giới chỉ có rất ít nhà máy chế tạo. Vì là hàng độc nên họ rất chảnh. Khách hàng không kiểm soát được thời gian nhận hàng. Điệp kể: “Khi đốc thúc họ, họ cười khẩy đáp: nhìn vào phòng chờ tao kìa, hàng đống hãng lớn còn đang chầu đó!” Trong ngành dầu khí, có tiền mua tiên cũng không đơn giản.

 

Mới 9 giờ sáng, mặt trời như 1 giọt vàng nóng bỏng khiến cho không khí hầm hập, thằn lằn cũng đổ mồ hôi, những con quạ cũng phải bay đi tìm 1 mẩu bóng râm, nhưng người thợ của M & C vẫn phải leo lên cái giàn khoan bằng sắt thép  nằm giữa trời ở độ cao 75m để làm việc. Họ đưa thành công hàng trăm mã hàng từ 100 tấn đên 1500 tấn lên cao rắp láp với độ chính xác “chuẩn không cần chỉnh.” Khối lượng thi công của riêng dự án Biển Đông bằng cả 10 năm thi công của toàn PTSC. Họ đã sáng tạo ra nhiều giải pháp thi công chưa được dạy trong các trường đại học Việt Nam, khiến nhà tư vấn phải thốt lên: “Đáng kinh ngạc!” GĐ thi công dự án, kĩ sư chế tạo máy Lê Ngọc Tâm, diện mạo như 1 viên tướng chỉ huy mặt trận, xoa xoa cái đầu “tóc gió thôi bay” thổ lộ: “Khổ nhất là phải vừa thiết kế vừa thi công, kế hoạch thay đổi liên tục. Áp lực dồn nén, cơ thể nhão như bọt biển. Nhiều đêm 3 giờ sáng đã bật dậy, vớ máy vi tính vào chương trình để kiểm tra.” Có hàng tỉ chuyện bất ngờ có thể xảy ra trên 1 công trường đến 3000 người làm việc. Thế nhưng họ đã thực hiện được 1 kì tích 8,700,000 giờ thi công an toàn.

 

Ông Đồng Xuân Thắng, GĐ M & C là người có tài thương thảo công việc. Ông có thể đòi được thứ mình cần khi đối tác không thực sự muốn cho bằng 1 quyết tâm sắt đá ẩn sau phong cách nhẹ nhàng của 1 thày tu. Ông có lối nói đi theo logic từ điểm này đến điểm kia nên đối phương bị thuyết phục mà không thấy bị chọc giận. Ông kể ở các nước ĐNA, chính phủ bảo hộ ngành dầu khí quyết liệt lắm. Họ cực chẳng đã mới mời đấu thầu quốc tế. Còn ở Việt Nam, sau Biển Đông 01, hơn 3000 NLĐ của M & C đã được lớn lên rất nhiều, sẽ đi về đâu? Biển không có gió làm 1 con thuyền buồm chạy dật dờ. Này ông Thắng ơi! Rockefeller, tỉ phú dầu lửa Mỹ đã nói rồi: “Người chưa bao giờ thất vọng thì đừng vào ngành dầu lửa!” Cứ vui đi ông, Biển Đông 01 là kì tích của người Việt Nam, của M & C.
 
Theo Hà Linh Quân
Lao động