Khu vườn đẹp như cổ tích bên nhà cổ 120 năm tuổi ở Đức của mẹ đảm gốc Việt
(Dân trí) - Người phụ nữ gốc Việt cải tạo không gian xung quanh trường làng cổ ở Đức thành khu vườn đẹp như mơ, tràn ngập rau xanh và hoa tươi.
Trước đây, chị Nguyễn Hồng Thảo từng làm công việc phiên dịch dự án ở Việt Nam. Hiện tại, chị sống ở một ngôi làng có 270 hộ dân ở miền Bắc nước Đức và dành thời gian cho gia đình, con cái.
"Tôi muốn con có một môi trường trong lành, hiền hòa, được tự do chạy nhảy. Bản thân tôi cũng muốn tránh khỏi những căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố để sống chậm lại", chị Thảo chia sẻ.
Theo chị, 2 vợ chồng mất hơn 1 năm để tìm được ngôi nhà ưng ý. Ngôi nhà của chị Thảo trước đây là một trường làng cổ, hơn 120 năm tuổi, hoàn toàn được xây dựng bằng đất sét nên có độ dày cao.
Chị và chồng đã cùng lên ý tưởng cải tạo lại cho phù hợp với hộ gia đình. Khu vườn rộng khoảng 2.100m2, nhà chính được thiết kế 2 tầng có diện tích 400m2. Ngoài ra, nhà kho khoảng 250m2 được chị Thảo chia ra nhiều phòng, ngăn để đồ đạc.
Trong khu vườn, mẹ đảm gốc Việt trồng cây trái theo từng mùa, đặc biệt chú trọng về thời gian thu hoạch, chất đất, loại nước tưới… Ngoài một số cây ăn quả lâu năm đã có sẵn khi mua nhà, chị Thảo gieo trồng các loại quả khác như: việt quất, lý chua đỏ, dâu tây, mâm xôi, cây cơm cháy, đào lông, lê, mận…
Chia sẻ về thời gian đầu làm vườn, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên mẹ đảm vấp phải nhiều khó khăn. Chị Thảo đối diện với vấn đề chuột cắn cây, chưa biết cách cắt tỉa cây, chọn hạt giống, nước tưới…
"Hồi đó, tiếng Đức của tôi còn bập bẹ, chưa thể đọc được các sách và tạp chí về làm vườn. Các tài liệu bằng tiếng Anh lại không phù hợp cho đặc trưng khí hậu nơi này, chồng mình tôi cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi nên mình vừa làm vừa học", chị cho hay.
Đến nay, khu vườn trở thành không gian bình yên của gia đình chị Thảo. Một ngày, chị dành 1 - 2 tiếng để chăm sóc, làm vườn, thời gian còn lại cùng 2 con vui chơi và khám phá các loại cây xung quanh.
"Mỗi tuần tôi dành tới 1 tiếng rưỡi để cắt cỏ, dọn lá rụng ở tất cả các góc. Ngày cuối tuần, tôi cùng chồng con tiếp tục trồng rau, trỉa hạt giống…, chị Thảo cho hay.
Cách chăm sóc từng loại cây trồng được chị Thảo cẩn thận trong từng công đoạn. Đất được cày bừa cho tơi, sau đó bón phân compost, để đất nghỉ một thời gian rồi thực hiện trồng. "Tôi tưới vườn vào mỗi sáng sớm lúc mặt trời mọc, đối với những ngày nóng trên 38 độ tôi tưới 2 lần, mỗi lần khoảng 1 tiếng đồng hồ", người phụ nữ gốc Việt cho hay.
Không chỉ vậy, chị Thảo còn để ý tới mỗi loại cây trồng để đảm bảo dinh dưỡng. Chị Thảo cho hay: "Cây bí đỏ là loại rau yêu cầu rất nhiều dinh dưỡng, tôi phải bổ sung phân compost hoặc phân chuồng thêm cho đất. Tất cả phân bón đều do tôi tự ủ, tôi gom rác thải tươi từ nhà bếp và vườn, chỉ cần sau 1 năm ủ sẽ cho chất lượng phân bón rất tốt".
Nhắc đến ngôi nhà cổ đặc biệt, chị Thảo bật mí: "Ngôi nhà 100% đất sét nên điều tiết khí hậu rất tốt, ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Bên ngoài hơn 40 độ C nhưng trong nhà chỉ có 19-20 độ thôi."
Đặc biệt, gia đình chị Thảo sử dụng điện mặt trời áp mái cho cả căn nhà ở và nhà kho. Vì chỉ sử dụng một phần lượng điện rất nhỏ so với điện sản xuất nên chị Thảo còn bán cho một công ty điện khác.
Với gia đình chị Thảo, khu nhà vườn đã cung cấp nguồn rau củ, thức ăn cần thiết trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. "Tôi tự trồng được rau củ, nuôi gà đẻ trứng suốt cả năm nên không cần phải đi siêu thị nhiều. Gia đình tôi thường cấp đông lạnh rau củ hoặc chôn các loại củ dưới cát để giữ rau tươi cả năm."
Ngoài giá trị vật chất, khu vườn còn trở thành không gian để chị Thảo và gia đình quây quần, cùng vui chơi, tận hưởng những phút giây yên bình.