Kon Tum:
Khu tái định cư bị bỏ hoang gần chục năm vì "nhà một nơi, rẫy một nẻo"
(Dân trí) - Nhiều năm nay, khu tái định cư ở làng Măng Rao (huyện Đăk Glei, Kon Tum) bỏ hoang vì nhà ở cách rẫy quá xa khiến người dân không mặn mà. Hiện nay khu này có hơn 60 căn nhà nhưng chỉ có một hộ dân ở.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Y Kim Lý - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei, Kon Tum) - cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2009, hàng trăm căn nhà của người dân trên địa bàn huyện Đăk Glei bị ảnh hưởng, hư hỏng.
Sau khi họp lấy ý kiến người dân, UBND huyện Đăk Glei đã lên kế hoạch xây dựng vùng tái định cư tại thôn Măng Rao (xã Đăk Pét). Dự án khu tái định cư được giao cho UBND huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.
"Dự án nằm ở thôn Măng Rao nhưng đều là người dân thôn Đăk Đoát ở. Thời điểm đó, nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí di dời nhà ở, người dân bỏ ra 10 triệu đồng và được giao 200m2 đất/hộ ở làng tái định cư. Tuy nhiên, do nhà mới xây cách xa nương rẫy khoảng hơn 7km nên người dân ở được một thời gian rồi bỏ về nơi cũ", bà Lý cho biết.
Dự án được bàn giao, sử dụng vào năm 2012 nhưng chỉ một số hộ dân đến ở trong một thời gian ngắn. Sau đó, tất cả những hộ này lại quay về nơi ở cũ. Nguyên nhân chính bà con đưa ra là nhà ở cách quá xa nương rẫy.
Hơn 10 năm nay, khu tái định cư này bị bỏ hoang, không sử dụng khiến cho hơn 60 căn nhà tái định cư mất mái tôn, hư hỏng. Nơi đây chỉ là cảnh hoang tàn, xập xệ. Trải qua thời gian, khu tái định cư bị tàn phá khiến một số công trình như nhà ở, đường giao thông, điện chiếu sáng, công trình nước sinh hoạt bị xuống cấp, hư hỏng.
Đầu năm 2022, đại diện các sở, ngành đã kiểm tra khu tái định cư Măng Rao và yêu cầu huyện Đăk Glei nghiên cứu giải pháp để sửa chữa, vận động người dân quay lại ở. Đồng thời, chính quyền xã đã đến gặp từng hộ dân thôn Đăk Đoát nhằm vận động quay lại vùng tái định cư sinh sống.
Ông Nguyễn Khắc Tụ - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei - cho biết qua vận động thì có hàng chục hộ dân đã ký cam kết sẽ quay lại vùng tái định cư. Nhưng họ hẹn vào năm 2023 để sắp xếp việc học tập cho con.
Trước mắt, UBND huyện Đăk Glei đã xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa lại nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng để người dân thuận lợi trong việc quay lại khu tái định cư sinh sống. Đồng thời, những quỹ đất dư hoặc chưa có người ở sẽ bố trí cho các hộ gia đình khó khăn, thiếu đất ở, dân vùng sạt lở đến ở.
Hiện nay, khu tái định cư có hơn 60 căn hộ nhưng chỉ có gia đình anh A Nhong (SN 1987) và chị Y Nhung (SN 1992) ở. Cuộc sống ban đầu khi quay trở lại của gia đình còn khó khăn. Anh Nhong đã phải bỏ ra hơn 20 triệu để mua lại mái tôn, cửa. Vì điều kiện còn khó khăn nên hầu như trong nhà cũng chẳng có vật dụng gì đáng giá.
Anh A Nhong cho biết: "Tôi thấy khu tái định cư bỏ hoang hơn 10 năm nay rất lãng phí. Nhưng nó ở cách ra xa rẫy của dân quá nên không ai ở.
Hiện nay, làng cũ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở, thiên tai khi mưa bão nên tôi đến khu tái định cư để sinh sống. Tôi cũng mong chính quyền địa phương có những phương án đảm bảo nước sạch, đất sản xuất gần với khu tái định cư để bà con được an cư, lạc nghiệp".
Khu tái định cư Măng Rao chỉ là một trong rất nhiều tái định cư bị bỏ hoang. Ngoài những nguyên nhân khách quan về đời sống, văn hóa thì vẫn còn tồn tại việc thiếu đất sản xuất khiến cho bà con bỏ khu tái định cư để quay trở về làng cũ sinh sống.