Khu “ổ chuột” giữa lòng kinh thành Huế
(Dân trí) - Đã 20 năm nay, 653 hộ dân ở phường Phú Hội và phường Phú Bình (TP Huế) phải chui rúc trong những "ổ chuột" ọp ẹp, xiêu vẹo, rách nát... vì “dính” phải quy hoạch treo.
Nhà “ổ chuột”
Men theo thượng kinh thành Huế là những căn nhà xiêu vẹo, được dựng lên từ đủ các loại vật liệu thô sơ như cột sắt gỉ, tre nứa, giấy dầu,... Tất cả đều toát lên vẻ mục nát và rệu rã. Có những căn "ổ chuột" rộng chưa đầy 20m2 mà có đến ba thế hệ chung sống. Đường dẫn vào nhà hẹp đến mức không một loại phương tiện nào có thể lọt qua. Đó chính là khu “ổ chuột” ở phường Phú Hội và tổ 11 phường Phú Bình.
Ở khu này, tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm đang ở mức đáng báo động. Mùi hôi thối, xú uế bốc lên nồng nặc từ những rãnh nước tù đọng; nhà vệ sinh công cộng khủng khiếp như từ thế kỷ trước. Toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân trong khu được đổ tràn ra bờ thành, "giết" dần mòn dòng sông Ngự Hà.
Ngày mưa, toàn bộ chất thải từ cống rãnh, nhà vệ sinh chảy tràn lênh láng khắp các ngõ ngách, len lỏi vào từng căn nhà và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Trần Văn Cẩm, tổ trưởng tổ 14, phường Phú Hội cho biết 120 hộ trong tổ đã định cư trên 30 năm ở đây nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Tất cả đều nằm trong vành đai 1 (thuộc diện giải tỏa) nên mấy chục năm nay, người dân sống mà không dám xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
Anh Đỗ Văn Sơn, tổ 14, phường Phú Hội than thở: “Nhà tui ở đây đã 20 năm nay nhưng mọi cái đều tạm bợ. Nhà cửa không được xây dựng, gia cố. Cả 6 người trong gia đình tui phải sống trong căn nhà rộng chưa đầy 20m2 suốt mấy chục năm nay. Những lúc trời mưa gió cả nhà tui phải di tản đi ở nhờ nhà hàng xóm kẻo sợ nhà sập!”.
Xuôi xuống tổ 11 phường Phú Bình, cảnh không khá hơn. Cả tổ chỉ có một số gia đình có nhà vệ sinh riêng, còn lại đều tập trung ở bốn nhà vệ sinh công cộng. Giờ “cao điểm”, hàng chục người xếp hàng chờ đi vệ sinh, nhìn mà thấy... tội nghiệp.
Người dân nơi đây sống đã khổ như vậy, thác cũng chẳng sướng hơn. “Mỗi lần khu phố có người qua đời thì khổ hết chỗ nói. Đường quá nhỏ, hai người đi không lọt nên chúng tôi phải che bạt ngoài đường để đặt quan tài. Mọi lễ nghi cúng bái đều diễn ra ở ngoài đường đầu con hẻm chứ biết răng chừ” - ông Cẩm ngậm ngùi.
“Treo” đến bao giờ?
“Chúng tôi đã phản ánh bằng thư, bằng miệng rất nhiều lần, thiết tha kiến nghị cấp trên sớm giải tỏa, đền bù để dân có một nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp. Nhưng lần mô cũng nghe hứa hẹn, chờ mãi mà chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh quy hoạch treo, nhà ở chuột…”, anh Sơn bức xúc.
Ông Trần Văn Cẩm cho biết thêm: “Chúng tôi đang phải sống trong lo lắng bất an vì tình trạng ô nhiễm, tệ nạn, bệnh tật trong khu. Đã có hàng chục đơn thư kiến nghị lên các cấp yêu cầu sớm giải toả nhưng chưa nhận được câu trả lời. Khi tiếp xúc cư tri, chúng tôi đã đề đạt nguyện vọng thì nghe các ông ấy nói là… đợi đã, đang quy hoạch. Vậy nên chúng tôi chỉ còn biết đợi”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Phú Hội, cho biết: Phường có tới 510 hộ với khoảng 3.000 nhân khẩu nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa. Cuộc sống những hộ dân này đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện thành phố đang khó khăn về kinh phí nên chưa thể một lúc giải quyết được tất cả, các hộ dân cần phải chờ.
Ông Tuấn cũng thừa nhận tình trạng này kéo dài sẽ có ảnh hưởng xấu đến bộ mặt của thành phố và hứa sẽ đề xuất thành phố xem xét giải quyết.
Ông Trần Văn Phương, phó chủ tịch UBND phường Phú Bình thì cho hay, phần lớn người dân tổ 11 là dân vạn đò định cư sau cơn bão năm 1985. Nơi họ đang cư trú là vùng đất thuộc đất di tích nên cách đây 5 năm UBND TP Huế đã có kế hoạch di dời, giải tỏa tái định cư. Tuy nhiên, đến nay không hiểu sao vẫn chưa triển khai (!?).
Cũng theo ông Phương, thành phố đã thông báo “trong nay mai sẽ có những khu tái định cư để bà con đến ở”. Tuy nhiên, “nay mai” là bao giờ thì chưa biết cụ thể.
Cảnh Giang