Tác giả ý tưởng 36 phố mang tên thủ đô các nước:
“Không thiếu cơ sở khoa học” hình thành 36 phố mới
(Dân trí) - Tác giả ý tưởng 36 phố Hà Nội mang tên thủ đô 36 nước bạn cho rằng, ý tưởng của ông đã chín muồi: 36 phố mới, mỗi con phố mang phong cách kiến trúc, đặc điểm văn hóa của nước đó, đổi lại tên “Hà Nội” được đặt ở 36 nước trên thế giới.
“Quy hoạch là việc phải làm và trên thực tế đang tiến hành, việc xây dựng các con phố mới và đặt tên cho chúng cũng là việc phải làm. Ý tưởng này không hề viển vông, nó hoàn toàn dựa trên cái nền là các công việc mà Hà Nội nhất định phải làm, chỉ có điều làm thế nào cho tốt nhất. Nó không khiến ngân sách Nhà nước tốn kém hơn một đồng nào”, ông Thiện phân tích.
Quĩ đất cho ý tưởng này chính là vùng Hà Nội mở rộng, đang được các cơ quan tiến hành quy hoạch và không dính dáng gì đến các khu phố hiện có.
Trả lời câu hỏi, liệu ý tưởng này thiếu cơ sở khoa học, ông Thiện cho biết: “Chúng tôi không đề xuất cái gì viển vông, mà chỉ đề nghị một cách đặt tên mới cho các con phố đó, kèm theo là ý tưởng chủ đạo cho việc quy hoạch kiến trúc, cảnh quan trên chúng. Không có gì đáng gọi là ‘thiếu cơ sở khoa học’ ở đây cả”.
Về kiến trúc, theo ông Thiện, Kiến trúc nhiều đô thị ở Việt Nam bị phê phán là hổ lốn, bát nháo vì không có một sự chỉ huy thống nhất, mạnh ai nấy làm. Trên cùng một con phố mỗi nhà làm một kiểu nên mới hổ lốn.
Ở khu phố mới này, trên mỗi khu phố sẽ có một sự thống nhất về kiến trúc, mang nét đặc trưng của mỗi nước (với sự giúp đỡ của chính Thủ đô nước đó), cho nên không tạo ra sự bát nháo như thường thấy.
Với “băn khoăn” viết tên phố nước ngoài như thế nào và liệu người dân Việt Nam đọc có hiểu không, tác giả của ý tưởng cho rằng, đó là việc của các nhà ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông cũng phân tích thêm, việc đặt tên phố bằng tên nước ngoài ở Việt Nam không phải mới mẻ, ví dụ: Pasteur, Calmette, Yersin, A. Rhodes, A. Einstein...
Theo tác giả, chưa thấy ai kêu ca rằng khó nhớ, khó tìm về những tên này. Hơn nữa, rất nhiều các công ty, khách sạn, siêu thị, các biển hiệu, các tòa cao ốc có tên giao dịch bằng tiếng Anh mà “cũng không thấy ai phàn nàn gì”.
Cũng theo tác giả, nếu theo “lối mòn” lấy tên danh nhân để đặt tên phố thì sẽ có nguy cơ quỹ tên đường không đủ đáp ứng. Quỹ tên đường phố thực tế bị thu hẹp nhanh chóng cùng với quá trình đô thị hóa.
Đáp lại mối lo ngân sách để thực hiện, ông Thiện cho rằng, Nhà nước chỉ cần lo quy hoạch, còn việc xây cất, kinh doanh là việc của các doanh nghiệp, kể cả các Doanh nghiệp nước ngoài. Nhà nước chỉ cần đấu thầu quyền sử dụng đất cho các dự án tại các khu phố đó. Như thế không những không cần bỏ tiền ra, mà còn thu được tiền về, phục vụ cho các mục đích khác.
Với câu hỏi, việc gì người Nhật phải “mò” sang Hà Nội để tới xem phố Tokyo, ông Thiện đáp rằng, phố Tokyo thu hút không chỉ người Nhật, mà còn khách du lịch từ tất cả các nước. Thêm nữa, không có cơ sở nào để nói rằng người Nhật sẽ không đến thăm khu phố Tokyo. Ngược lại, có đủ căn cứ để nói rằng người Việt ra nước ngoài thường tìm đến những khu phố có người Việt, vì cảm thấy ở đó có sự gần gũi của đồng bào. Người Nhật sang Việt Nam cũng thường đi ăn ở các nhà hàng Nhật. Tại TPHCM, các quán ăn Hà Nội vẫn thường dành cho người gốc Bắc hay cán bộ từ Hà Nội vào Nam công tác.
Trường hợp nước ta và nước nào đó có xung đột, ông Thiện lí lẽ, không nên lẫn lộn giữa tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc, với sự xung đột nhất thời giữa hai bên (nếu có).
Kim Tân