1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ hội chùa Hương

Không thêm tiền, đò không đi!

(Dân trí) - So với mọi năm, đường vào chùa Hương năm nay không có tình trạng tắc nghẽn giao thông, khâu tổ chức nhiều đổi mới. Tuy nhiên, hàng vạn du khách vẫn bị “móc túi” mà đành phải ngậm ngùi để chuyến đi được suôn sẻ.

Chèo kéo khách, dịch vụ giá “cắt cổ”

 

Để tránh nạn chèo kéo, môi giới và lừa đảo gây phiền hà cho du khách, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) đã công khai các loại giá vé và phí gửi phương tiện. Tuy nhiên, nhiều du khách đã bị mất tiền mà cực chẳng đã. Anh Duy Thảo, phố Sơn Tây, Hà Nội không khỏi bức xúc cho biết, anh mua vé và xuống đò mang tên Hùng Tâm. Sau khi đò xuất phát, nhân viên chèo đò đã nài nỉ xin thêm tiền công cả ngày chờ đợi, thương lượng không xong, cuối cùng đò anh 6 người đã mất thêm mỗi người 25.000đ.
 
Không thêm tiền, đò không đi! - 1
Nhiều du khách ngậm ngùi thêm tiền cho chèo đò!

 

Cùng tâm trạng như anh Thảo, chị Hải Vân ở Ninh Bình ngoài tiền mua vé thì đoàn của chị cũng mất thêm 100.000đ cho chèo đò vì công chờ đợi. Theo nhiều du khách, hầu hết những người đi đò đều phải mất thêm tiền cho lái đò thì mới đi được.

 

Ngoài việc bị chèo kéo thêm tiền thì du khách cũng phải chịu giá dịch vụ “cắt cổ”. Chị Nguyễn Thị Hiền ở Hà Nội than: “Để lên động Hương Tích cho nhẹ, tôi có cái túi nhỏ gửi ở cửa hàng mất 20.000đ. Việc thuê đĩa để đặt lễ ở đây 20.000đ/1lần, ngồi ghế không uống nước hoặc mua gì mất 5.000đ…”.

 

Dịch vụ ăn uống đồ dùng cũng không kém, mỗi quả trứng vịt lộn giá 6.000đ/quả; xúc xích nướng 13.000 - 15.000đ. Đặc biệt, dịch vụ vệ sinh cũng tăng theo, đi tiểu tiện 2.000đ/lượt; đại tiện 5.000đ/lượt. Để đỡ tốn ít tiền, nhiều người đứng ngay gốc cây ven đường để bậy, khiến du khách qua lại đã phải lắc đầu, ngán ngẩm.
 
Không thêm tiền, đò không đi! - 2
Đông nghẹt ở đền Trình

 

Để tránh tắc đường, nhiều lái xe đi đường vòng qua nghĩa trang của làng phải mất phí 10.000đ/lượt.

 

Không tắc xe, nhưng “tắc” vì… rác

 

Du khách trảy hội chùa Hương năm nay khá hài lòng với khâu tổ chức phân luồng giao thông. Chị Nguyễn Thu Hương ở phường Ba La, Hà Đông phấn khởi: “Năm nào tôi cũng đi chùa Hương nhưng chưa thấy năm nào lại nghiêm túc như năm nay, bắt đầu từ cổng mua vé đến soát vé đã thấy các chú công an đứng làm trật tự và phân luồng giao thông, không còn tắc nghẽn từ cổng vào như mọi năm nữa”.

 

Rút kinh nghiệm về việc khắc phục tình trạng ùn tắc cục bộ từ Thiên Trù lên động Hương Tích, Ban tổ chức đã đầu tư, nâng cấp mở rộng hạ tầng cơ sở; Hoàn thiện tuyến đường bộ từ Thiên Trù đi Hương Tích, làm mới bến đò Thanh Sơn, Tuyết Sơn, nạo vét đường suối vào chùa Long Vân; có làn đường lên xuống từ bến Yến lên Thiên Trù dành cho người tàn tật... Tuy nhiên, rác rơi đầy tại lễ hội.

 

Theo quy định của Ban tổ chức, các phương tiện vận chuyển khách trên suối Yến đều phải gắn biển số, lái đò đeo số phù hiệu và trên mỗi đò đều có giỏ đựng rác. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, tuyệt nhiên không thấy chiếc đò nào có giỏ đựng rác và người lái đò đeo phù hiệu. Do đó, ngay từ đền Trình đến Thiên Trù và động Hương Tích rác rơi rất nhiều mặc dù liên tục có loa nhắc nhở mọi du khách cần có ý thức hơn và liên tục có người thu gom rác nhưng không xuể.
 
Không thêm tiền, đò không đi! - 3
Rác trong động Hương Tích

 

Anh Nguyễn Tuấn, nhân viên được phân công dọn rác tại động Hương Tích cho biết: “Tại động này, các sư thầy phân công hơn 30 người chuyên dọn rác nhưng vẫn không hết được vì với lượng người đông như thế này, tôi vừa nhặt góc này, góc kia đã có người vứt ra. Vỏ hạt dưa, hạt bí bám chúng tôi phải cọ rửa thì mới sạch được”.

 

Lý do mà chủ đò Hùng Tâm đưa ra là để thùng rác lên đò vừa mất vệ sinh lại chật đò.

 

Nghẹt thở tại Hương Tích

 

Tại cổng vào động Hương Tích, Ban tổ chức đã chăng dây thừng để “phân làn” chiều lên, chiều xuống, bố trí cả lực lượng công an đứng để phân tuyến nhưng cũng đành bó tay trước dòng người đông cố chen lấn xô đẩy để vào động. Lượng khách đổ về quá đông và dồn dập từ cáp treo dẫn đến tắc nghẽn ở cổng vào động Hương Tích.
 
Không thêm tiền, đò không đi! - 4
Nghẹt thở lối vào động Hương Tích

 

Sau hơn 2 tiếng đứng chờ và bị đẩy dúi dụi, chị Lê Hạnh mới vào được trong động, mệt mỏi, vừa thở, vừa quạt chị Hạnh than: “Cửa vào động thì nhỏ khoảng 2m mà hàng nghìn người chen lấn xô đẩy như thế thì làm sao mà chịu được”.

 

Do không chịu được sức ép của dòng người, bà Nguyễn Thị Ba 70 tuổi ở Nam Định đã suýt nữa bị dẫm bẹp khi ngồi thụp xuống, rất may bà được 2 thanh niên xốc dậy.

 

Chị Vũ Lan ở TPHCM kiến nghị, tại sao Ban tổ chức không mở thêm một cổng phụ để tránh bớt sự ngột ngạt và dẹp bỏ các quán bán hàng ngay tại cổng động này.

 

Để kịp giờ xuống núi, tránh dòng người đông đúc chen lấn, nhiều du khách đã mất tiền cho người bán hàng đồ lễ để đi qua cửa hàng, men vào thành núi xuống động, bất chấp sự nguy hiểm.
 
Hồng Hạnh