1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Không thể “trông chờ” vào bảo hiểm rủi ro thiên tai

(Dân trí) - Bác bỏ đề xuất bổ sung nguồn tài chính cho Quỹ phòng chống thiên tai từ bảo hiểm, tái bảo hiểm rủi ro thiên tai, Quốc hội nhận định, Việt Nam hiện chưa quy định bắt buộc loại hình bảo hiểm này nên không thể… trông chờ.

Chiều 19/6, Quốc hội đã thống nhất thông qua Luật Phòng, chống thiên tai với gần 92% số phiếu tán thành.

Trước đó, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng giải trình cụ thể một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án luật.

Nội dung quan trọng mà Quốc hội phải biểu quyết riêng trước khi thông qua cả dự luật nằm ở Điều 8 – nguồn tài chính cho hoạt động phòng chống thiên tai. Ông Dũng cho biết, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, từ Quỹ phòng chống thiên tai, nguồn vận động tài trợ, có đại biểu đề nghị bổ sung nguồn tài chính từ bảo hiểm và tái bảo hiểm rủi ro thiên tai cho hoạt động này.
Quỹ phòng chống thiên tai hình thành trên cơ sở Quỹ phòng chống lụt, bão hiện nay.
Quỹ phòng chống thiên tai hình thành trên cơ sở Quỹ phòng chống lụt, bão hiện nay.

Cơ quan tiếp thu, giải trình cho rằng, bảo hiểm rủi ro thiên tai, tái bảo hiểm rủi ro thiên tai là nguồn lực cần thiết để hỗ trợ việc khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng viện dẫn pháp luật một số nước phát triển như Nhật, Mỹ có quy định về bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với một số loại hình thiên tai cụ thể như bão, động đất...

Tuy nhiên, theo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm hiện hành của Việt Nam thì chưa có quy định bảo hiểm bắt buộc đối với rủi ro thiên tai. Do vậy, tiếp thu đề xuất này, dự thảo Luật chỉ bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 5 về chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai để từng bước tạo lập thêm nguồn tài chính cho hoạt động này mà chưa thể quy định “cứng” ở Điều 8.

Về nguồn ngân sách chi cho hoạt động phòng chống thiên tai, có ý kiến đề nghị quy định rõ tỷ lệ % cụ thể mỗi năm ngân sách phải trích dành cho khoản này. UB Thường vụ Quốc hội không tiếp thu đề xuất này với lý do, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay, rất khó để quy định tỷ lệ cố định dành riêng cho hoạt động này. Luật chỉ xác định nguồn ngân sách lấy từ dự toán chi hàng năm và dự phòng ngân sách theo quy định để bảo đảm tính chủ động, kịp thời, linh hoạt trong điều hành quản lý ngân sách nhà nước của Chính phủ trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp khi thiên tai xảy ra trên quy mô lớn, thiệt hại nghiêm trọng.

Quỹ phòng chống thiên tai được thống nhất hướng xây dựng trên cơ sở Quỹ phòng chống lụt bão hiện tại. Thực tiễn hoạt động của Quỹ phòng chống lụt bão trên 15 năm qua được đánh giá đã bổ sung nguồn lực không nhỏ giúp chính quyền địa phương chủ động hơn trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong điều kiện nguồn ngân sách cho phòng chống thiên tai hiện nay còn hạn hẹp.

Quỹ phòng chống thiên tai được xây dựng trên cơ sở những khoản đóng góp bắt buộc của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài đóng tại địa bàn và của công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động và các nguồn đóng góp hợp pháp khác. Quỹ chỉ được thành lập ở cấp tỉnh, do cấp tỉnh quản lý.
 
Bác ý kiến đề nghị lập quỹ ở 3 cấp trung ương - tỉnh - huyện, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định chỉ thành lập quỹ ở cấp tỉnh sẽ hạn chế việc hình thành nhiều cấp quỹ, hạn chế sự đóng góp của các tổ chức kinh tế và công dân. Việc này lại giúp tập trung được nguồn lực tài chính để UBND cấp tỉnh chủ động điều tiết, sử dụng có hiệu quả cho hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh, tránh tình trạng cát cứ giữa TƯ và địa phương, giữa các cấp hành chính trong nội bộ tỉnh.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm