Không thể có Đảng mạnh mà Nhà nước yếu
(Dân trí) - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không xây dựng, chỉnh đốn Nhà nước thì không được. Không thể có Đảng mạnh mà Nhà nước yếu, cũng không thể có Nhà nước yếu mà Đảng mạnh được...
Sáng nay, 10/6, tại trụ sở Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2020 khu vực phía Bắc. Tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Nói về những điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII, trung tâm là báo cáo chính trị, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, văn kiện đại hội lần này có nhiều điểm mới, từ cách tiếp cận, tầm bao quát, chủ đề đại hội, các nội dung dự báo, cho tới mục tiêu phát triển đất nước… Tuy nhiên, ông Phú nhấn mạnh, đổi mới không có nghĩa là bỏ qua cái cũ mà là kế thừa và phát triển.
Nói về chủ đề Đại hội, một trong những điểm mới lần này là bổ sung “xây dựng chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích, sự nghiệp Đảng là linh hồn, nhưng sức mạnh để đất nước phát triển phải là sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Theo ông Phú, khi Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không xây dựng, chỉnh đốn Nhà nước thì không được. Không thể có Đảng mạnh mà Nhà nước yếu, cũng không thể có Nhà nước yếu mà Đảng mạnh được.
GS Phùng Hữu Phú cũng nhắc điểm mới khác trong chủ đề đại hội ở thành tố về mục tiêu phát triển đất nước mà văn kiện đại hội đưa ra là “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ông Phú giải thích đây là đổi mới về nhận thức vì trước đây ta đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn lần này mục tiêu là nước phát triển.
“Một nước công nghiệp hiện đại và phát triển có mối quan hệ với nhau nhưng không phải là một”, ông Phú nói.
Ông chia sẻ, trong quá trình soạn thảo văn kiện, có người phản biện nếu là nước phát triển, trình độ cao thì lúc đó ta không còn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” nữa mà thực chất đã bước vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Đây là phản biện sắc sảo, đang nghiên cứu tiếp.
Dao động trong tư tưởng thì sẽ dao động trong lãnh đạo
Một trong những điểm mới nữa, theo ông Phú, là báo cáo chính trị tại Đại hội XIII sẽ có thêm phần “quan điểm chỉ đạo” do đặc thù về tầm bao quát, độ sâu và dài của Đại hội lần này.
Trong đó, quan điểm được nhấn mạnh là khẳng định tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của việc giữ vững nền tảng tư tưởng và mục tiêu phát triển. Theo ông Phú, đây là vấn đề phức tạp vì hiện nay thậm chí đã có ý kiến đề nghị bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội vì “đã lạc hậu lắm rồi”.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, nguồn cơn của quá trình sụp đổ là sự chuệch choạc, dao động trong tư tưởng, mà dao động trong tư tưởng thì sẽ dao động trong lãnh đạo.
Ông Phú giải thích, không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác - Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nguyễn Dương