1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguyên Đại sứ Châu Âu về thương mại Trần Văn Thình:

Không thể cải cách trong một ngôi nhà "cửa đóng then cài"

Việt Nam đã có sự ổn định. Đây là điều rất quý... Nhưng Việt Nam phải loại bỏ tham nhũng, giảm nạn quan liêu và cần tăng cường dân chủ. Ông Trần Văn Thình - nguyên đại sứ Châu Âu về thương mại bày tỏ.

Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng X, BCHTƯ đã nhìn nhận thời kỳ đầu của hội nhập bị chững lại, ông đánh giá về việc này như thế nào?

 

Tốc độ hội nhập của Việt Nam (VN) không chỉ phụ thuộc vào tốc độ nội tại của VN, mà còn phụ thuộc vào tốc độ của bên ngoài. Do vậy, tôi xin bắt đầu bằng những gì đang xảy ra ở bên ngoài VN. Vì nếu VN chỉ thực hiện cải cách trong một ngôi nhà "cửa đóng then cài" thì sẽ không đi đến đâu cả.

 

Tự do thương mại từ sau Thế chiến thứ hai đã phát triển lên đến quy mô toàn cầu hoá. Và tôi đã thấy Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam ý thức đầy đủ về những thách thức và vận hội mới trước thời cơ hội nhập thời kỳ toàn cầu hoá và đã có những điều chỉnh chính sách.

 

Tôi được mời trở lại VN từ 1987, thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới. Từ đó, mỗi năm tôi về VN 2 - 3 lần và tôi nhận thấy, sự đổi mới và những tiến bộ của VN tuy có hơi chậm, nhưng rất đáng kể. Và tiến bộ sẽ không chỉ dừng tại đây.

 

Cố gắng của Đảng và Nhà nước Việt Nam như vậy là chưa đủ, thưa ông?

 

Đổi mới đã được khởi động đúng thời điểm. Trước tiên, tôi hoan nghênh những kết quả đạt được. Nhưng thực sự, VN đã mở cửa bởi áp lực của toàn cầu hoá. Quyết định của Đảng là đúng đắn. Nhưng đó mới chỉ là đường lối. Cần phải giải thích để từng người dân hiểu về đổi mới và từng người sẽ phải làm gì?

 

Mở cửa thị trường, hội nhập trong toàn cầu hoá thực sự là một cuộc chiến và phải huy động được sức mạnh toàn dân. VN đã dùng chiến tranh nhân dân để thắng những đội quân xâm lược mạnh nhất thì cũng cần tổ chức được "sức mạnh nhân dân thời kỳ mở cửa và hội nhập".

 

Cần nhắc lại là Việt Nam đã vượt qua những cuộc chiến gay go nhất, khủng khiếp nhất và đã giành thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi ấy là nhờ từng người dân hiểu mình phải làm gì? Việt Nam đã thắng lợi nhờ chiến tranh nhân dân. Hội nhập quốc tế cũng là một cuộc chiến. 80% dân số Việt Nam là nông dân và cần phải làm cho họ hiểu thế nào là hội nhập và họ phải làm gì.

 

Làm được điều này, Việt Nam sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến hội nhập. Cuộc chiến hội nhập cũng là cuộc chiến của nền dân chủ. Trước tiên, cần phải làm cho toàn dân tộc Việt Nam hiểu được vận hội của mình trong cuộc chiến hội nhập. Giống như khi toàn dân hiểu phải làm gì trong cuộc chiến chống xâm lược.

 

Như vậy, việc hội nhập và gia nhập WTO là bắt buộc?

 

Đúng vậy. Tôi lấy hình ảnh của việc hội nhập kinh tế là đoàn tàu đang lăn bánh. Nếu VN không ở trên chuyến tàu đó, VN sẽ phải đứng ngoài một cộng đồng 150 quốc gia. Quản lý kinh tế cần tính đến môi trường quốc tế, nhưng động lực của quản lý lại từ bên trong.

 

Xin ông cho biết dự đoán của mình về khả năng gia nhập WTO của VN?

 

Theo tôi, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, VN sẽ trở thành thành viên của WTO. VN muốn gia nhập WTO, nhưng trở ngại đối với VN không phải là EU hay một nơi nào khác, mà là từ Mỹ. Đây là mấu chốt. Đây là vấn đề làm VN mất nhiều thời gian trong việc đàm phán gia nhập WTO. Theo tôi, VN đã hội tụ đầy đủ điều kiện để gia nhập WTO. Trong các cuộc thương thuyết, VN đã không thể làm tốt hơn.

 

Tuy vậy, việc gia nhập "đoàn tàu WTO" là quan trọng, nhưng mà việc chọn một vị trí trên đoàn tàu đó mới là then chốt. Nếu rơi vào toa hạng bét thì việc gia nhập WTO cũng không mấy ý nghĩa.

 

Khi Việt Nam khi mới hội nhập, họ đã mua Coca Cola hay mua phần mềm, mua sản phẩm có chất lượng hay hàng giả... Vậy, cần giáo dục để toàn dân thấy rằng, khi mỗi người Việt Nam mua một cái gì đó thì họ phải ý thức về vị trí của họ trên đoàn tàu WTO. Mỗi người Việt Nam phải hiểu về thị trường các nước bên ngoài, cần tích cực làm việc hơn nữa.

 

Và cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ mới là những tác nhân tích cực của nền kinh tế. Đó là những nhà sản xuất cạnh tranh, làm ra nhiều hàng hoá, dịch vụ.

 

Cần giáo dục mọi người có tư duy của nhà doanh nghiệp. Tại sao? Vì tư duy của doanh nghiệp là tư duy năng động và sáng tạo. Hãy sử dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn cho họ, tạo cho họ động lực để không e ngại việc gia nhập WTO.

 

Ông có mong muốn gì đối với VN trước vận hội mới?

 

VN đã có sự ổn định. Đây là điều rất quý. Tại sao VN thu hút được nhiều du khách thế? Vì họ đến VN không sợ khủng bố, không lo bị tấn công... Nhưng VN phải loại bỏ tham nhũng và giảm nạn quan liêu. VN cũng cần tăng cường dân chủ.

 

Dân chủ ở đây không phải là dân chủ kiểu châu Âu, kiểu Mỹ. Dân chủ ở VN là phải giảm nhiều hơn nữa nghèo đói ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, là giảm sự xa hoa thái quá của một bộ phận người. Dân chủ là người dân được thông tin nhiều hơn, được hướng dẫn, được giải thích về hội nhập và nâng cao vai trò của từng người dân trong quá trình hội nhập.

 

Liên quan tới Đại hội Đảng X thảo luận việc cho phép đảng viên làm kinh tế không giới hạn quy mô, ông có đánh giá như thế nào?

 

Tôi thấy rằng, tại sao phải phân biệt đảng viên với từng người dân khác. Người VN rất giỏi. Tôi mang quốc tịch Pháp, Châu Âu và tôi cũng là người VN. Tôi rất tự hào vì được là người VN.

 

Theo Lê Thăng
Lao Động