1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không quy định “cứng” bắt buộc xe máy bật đèn ban ngày

(Dân trí) - Việc quy định xe máy phải bật đèn vào ban ngày sẽ không quy định "cứng" thành quy tắc giao thông, thay vào đó chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết như vậy tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng nay (2/6).

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT thông tin: Trong phần quy tắc giao thông đường bộ, dự thảo Luật đưa ra các quy định liên quan đến nhận diện, đây là nội dung được Luật hóa theo quy định tại Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ, đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có khí hậu tương đồng Việt Nam.

“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa đảm bảo quy định của công ước Viên vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân” - bà Nga nói.

Không quy định “cứng” bắt buộc xe máy bật đèn ban ngày - 1
Quy định các phương tiện phải bật đèn nhận diện ban ngày đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới (ảnh: Báo Giao thông)

Trao đổi về việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (GTĐB), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết việc xây dựng hành lang pháp lý đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển đất nước là vấn đề quan trọng. Ngành GTVT có 5 luật tương ứng với 5 lĩnh vực, trong đó, Luật GTĐB năm 2008 đã thực hiện được 10 năm.

“Luật đã dự báo, đề cập chi tiết, các quy tắc giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế, hệ thống biển báo đã tiệm cận với các nước phát triển. Thêm nữa, quy định về con người, phương tiện cũng không thua kém các nước, hành lang pháp lý quản lý không có nhiều bất cập nếu so với nhiều nước. Đơn cử như Thái Lan đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam đối với quy định lắp thiết bị GSHT - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, với nhu cầu và tầm nhìn cho phát triển đất nước và vai trò quan trọng của lĩnh vực, từ đó tạo hành lang pháp lý cho tương lai lâu dài. Việc sửa Luật GTĐB lần này, Bộ GTVT xác định sửa để ổn định ít nhất trong 10 năm. Trong đó, có tầm nhìn, dự báo những yếu tố mới, đưa được hành lang pháp lý mà đối tượng chi phối trong luật ổn định.

Mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, trước hết là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông được ưu tiên đi trước 1 bước. Vì vậy, trong xây dựng Luật GTĐB phải tạo được hành lang pháp lý, có cơ chế chính sách chủ trương đầu tư hạ tầng ổn định.

“Hiện nay, thủ tục trình Luật GTĐB sửa đổi đã trình Quốc hội khóa 9 thông qua chủ trương, đến tháng 10 sẽ trình Quốc hội thảo luận, đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua Luật. Dự thảo Luật đang được đăng tải xin ý kiến của nhân dân và các thành phần kinh tế, nhiều ý kiến đóng góp Luật càng hiệu quả, có hành lang cho sự phát triển ổn định” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng, Luật GTĐB mới cần tạo hành lang pháp lý điều chỉnh vận tải, thúc đẩy phát triển GTĐB và kinh tế đất nước, hội nhập GTĐB trong khu vực. Trong đó, nhiều vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như việc phân loại các loại hình, điều kiện kinh doanh vận tải, cấp phép điều hành giao thông thông minh, quản lý điều hành cao tốc, Luật GTĐB mới phải mở đường cho hướng phát triển.

Châu Như Quỳnh