1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không quân làm việc với kỹ sư "hai lúa" chế tạo trực thăng

(Dân trí) - Tổ công tác của Sư đoàn không quân 370 - đơn vị có chức năng bảo vệ vùng trời, vùng biển, đất liền phía Nam - cùng đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương đã đến làm việc với ông Bùi Hiển, người vừa chế tạo chiếc trực thăng mang tên “Giấc mơ”.

img-4910-1473817443005

Chiếc trực thăng tự chế của kỹ sư Bùi Hiển

Trưa 20/9, trao đổi với PV Dân Trí, ông Bùi Hiển (ngụ Bình Dương) cho biết: “Hôm qua, đoàn kiểm tra liên ngành của Sư đoàn không quân 370 cùng đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương đã đến gặp tôi tìm hiểu về chiếc trực thăng “Giấc mơ” của tôi. Tại buổi gặp gỡ, đoàn kiểm tra đã thăm quan, kiểm tra những thiết bị trên máy bay, đồng thời gửi cho tôi nhiều tài liệu để tôi nghiên cứu và hoàn tất các thủ tục để xin phép bay”.

“Từ hôm qua đến nay tôi đã và đang đọc những tài liệu bên đoàn cung cấp. Tôi thấy tôi còn thiếu khá nhiều thủ tục nên hy vọng trong vòng 3 tháng nữa tôi sẽ hoàn tất để xin phép bay. Thời gian tới, tôi cũng sẽ nâng cấp một số thiết bị để chiếc trực thăng Giấc mơ hoàn thiện hơn”, ông Hiển chia sẻ.

Ông Hiển nói thêm: “Tôi đã làm trực thăng thành công vì vậy tôi mong Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương cho phép tôi ra nước ngoài mua và nhập động cơ trực thăng về lắp ráp với các bộ phận do tôi sáng chế để làm ra phiên bản trực thăng đẹp, an toàn hơn. Lúc đó tôi mới xin phép Bộ Quốc phòng cấp phép bay. Tôi cũng sẽ giao việc lái trực thăng “Giấc mơ” cho một người được đào tạo bài bản vì tôi đã quá tuổi bay”.

Theo đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, mục đích của đoàn là khảo sát kỹ hơn sản phẩm mà ông Bùi Hiển gọi là “trực thăng Giấc Mơ” đồng thời cung cấp những văn bản pháp lý để ông hiểu và tuân thủ những quy định liên quan đến an toàn bay, thủ tục được cấp phép bay.

“Phát minh sáng chế có lợi luôn luôn cần được cổ vũ để khuyến khích mọi người có ước mơ, có hoài bão. Sự đam mê của anh Bùi Hiển phải nói là hết sức đáng khích lệ. Nó thể hiện tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu khoa học. Nó thể hiện trí tuệ, khát khao của người Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi cái mà anh Hiển làm ra ở thời điểm này chưa thể gọi là máy bay mà chỉ là một phương tiện bay do anh ấy sáng chế rồi mua cái này lắp ráp với cái kia”, đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương nói.

Về việc kỹ sư Bùi Hiển cho chiếc trực thăng tự chế bay ở độ cao 2m tại một khu đất trống có vi phạm hay không? Đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương cho rằng, ông Bùi Hiển chỉ bay là là trên mặt đất nên không vi phạm gì. Thế nhưng làm gì cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp lý. Nếu ông Hiển cho phương tiện của mình bay lên cao thì phải được cấp phép.

Chiếc trực thăng vừa được ông Hiển bay thử ở độ cao khoảng 2m
Chiếc trực thăng vừa được ông Hiển bay thử ở độ cao khoảng 2m

Trước đó, ông Bùi Hiển đã cho bay thử chiếc trực thăng “Giấc mơ” do bản thân sáng chế ra. Tuy nhiên, do máy bay còn nhiều hạn chế nên ông chưa thể xin phép Bộ Quốc phòng cho phép hoạt động. Cụ thể, nhiều động cơ của trực thăngchưa đủ tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời, một số động cơ khác được ông mua chưa rõ giấy tờ xuất xứ rõ ràng nên cần thay đổi, bổ sung. Tuy nhiên, do động cơ máy bay khá hiếm và giá cả cao nên ông cần thêm thời gian nhập từ Mỹ về.

Hiện chiếc trực thăng tự chế của kỹ sư Bùi Hiển sử dụng động cơ máy 170 mã lực (HP), động cơ này được nhập từ Mỹ (Nhật sản xuất, còn được sử dụng cho xe đua F1). Theo kỹ sư ô tô 62 tuổi, chiếc trực thăng mới này có chiều dài 8,6m, cao 2,4 mét Chiều dài cánh quạt chính là 7,1 mét và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m.

Vỏ, cánh quạt làm bằng nhôm hợp kim cao cấp, kính cửa là kính chịu lực, trục làm bằng inox cao cấp. Để chiếc trực thăng tự chế có thể bay ổn định, ông Hiển cho biết mình đã bỏ ra khá nhiều chi phí thuê một công ty Đài Loan để đúc cánh quạt bằng nhôm cao cấp.

Không quân làm việc với kỹ sư "hai lúa" chế tạo trực thăng - 3

Hệ thống chuyển động số bằng dây cua-roa được thay bằng hộp số của xe ô tô (loại 16 chỗ). Nhiên liệu được sử dụng cho trực thăng là xăng A92. Vận tốc tối đa khi bay của trực thăng đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400 km.

Theo chia sẻ của ông Hiển, chiếc máy bay mang tên “Giấc mơ” có trọng lượng 390kg, chưa tính thùng nhiên liệu nặng 15kg và trọng lượng của phi công. Với động cơ hiện tại, thực tế máy bay có khả năng nâng tới 600kg, nhưng tổng trọng lượng nói trên hiện chỉ mới hơn 450kg.

Trung Kiên – Xuân Hinh