1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ 1/9:

Không phải là sự "Trấn áp" tự do ngôn luận!

Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9. Ngay khi Nghị định này vừa ra đời, đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận trong nước cũng như nhận được những phản ứng trái chiều từ báo giới nước ngoài.

Là người nắm rất sát, theo dõi sâu về Nghị định 72, ông Hoàng Vĩnh Bảo- Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử- khẳng định: Nghị định 72 không có quy định nào cấm người sử dụng internet chia sẻ tin tức.

+ Thưa ông, khi Nghị định 72 bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9, nó sẽ tác dụng thế nào đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam?

- Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được ban hành để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý về Internet, bổ sung quy định quản lý một số vấn đề nóng trong sự phát triển của Internet và thông tin trên mạng gần đây, tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Internet, thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp, phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành trong công tác quản lý về Internet, đồng thời tăng cường vai trò, vị trí và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý Internet.
 
Không phải là sự Trấn áp tự do ngôn luận!

Việc ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ- CP thay thế Nghị định 97/2008/NĐ- CP nhằm hoàn thiện thêm hành lang pháp lý để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được nhu cầu quản lý, góp phần thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

+ Thưa ông, với quy định, các trang web cá nhân hoặc trang do cá nhân lập ra trên các mạng xã hội sẽ không được phép “cung cấp thông tin tổng hợp”. Theo giải thích của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định như vậy là nhằm chấm dứt tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, làm như vậy là hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ông nghĩ sao về điều này ?

- Phải khẳng định: Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Người sử dụng mạng xã hội vẫn được phép chia sẻ tin tức. Trong Nghị định 72 không có quy định nào cấm người sử dụng internet chia sẻ tin tức. Mục đích của Điều 20 là phân loại các trang thông tin theo tính chất nội dung và mục đích sử dụng. Quy định không cung cấp thông tin tổng hợp không chỉ áp dụng với các trang thông tin điện tử cá nhân (khoản 4) mà cả trang thông tin điện tử nội bộ (khoản 3), trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành như thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, ngân hàng trực tuyến…(khoản 5), vì nếu các trang cung cấp thông tin tổng hợp thì phải tuân theo quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp (Mục 2, chương 3).

Tại Điều 10 (Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet) và Điều 26 (Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội) của Nghị định 72 đã có những quy định khá cụ thể và chi tiết nhưng tuyệt nhiên không có câu chữ nào thể hiện ý chí “ngăn cấm người sử dụng mạng xã hội chia sẻ tin tức, cung cấp thông tin”.

Quy định này nhằm chấm dứt tình trạng lấy lại tin bài trên các báo, đăng nguyên văn mà không xin phép, rồi đôi lúc còn sửa đổi nội dung, giật tít mang tính câu khách của nhiều trang mạng. Đây là chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà báo chí đã lên tiếng trong thời gian qua.

Phải khẳng định lần nữa Nghị định 72 không hề hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận, vì cá nhân hoàn toàn có thể được tự cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình miễn là không vi phạm các quy định của pháp luật. Những nội dung gì còn băn khoăn về Nghị định 72, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục giải đáp để tránh những trường hợp hiểu chưa đúng về Nghị định, gây tâm lý lo lắng, băn khoăn cho người sử dụng internet ở Việt Nam.

+ Với số lượng người dùng Internet đông đảo như vậy, phía Bộ Thông tin Truyền thông có giải pháp như thế nào để Nghị định 72 được triển khai hiệu quả, phát huy hết hiệu quả của nó!

a. Do phạm vi điều chỉnh của Nghị định 72 rất rộng, có liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương nên để bảo đảm cho Nghị định sớm đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

- Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị định, trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ cũng đã triển khai xây dựng các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định nhằm bảo đảm Nghị định thực sự đi vào cuộc sống. Hiện nay, Bộ đang tập trung cho công tác này.

- Về công tác phổ biến văn bản quy phạm pháp luật. Để Nghị định số 72/2013/NĐ- CP sớm đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu về Nghị định để từng người dân, tổ chức, doanh nghiệp được biết, từ đó thực hiện Nghị định một cách tự giác và triệt để là vô cùng cần thiết. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Bộ cũng đã chủ động triển khai công tác này. Nhân đây, tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm, dành thời lượng, diện tích để tuyên truyền, phổ biến Nghị định.

- Đối với công tác tổ chức thực thi: Bộ TT&TT sẽ sớm hướng dẫn cho các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thực hiện.

b. Do Nghị định số 72/2013/NĐ- CP có liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên để công tác quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đạt hiệu quả trong thời gian tới, góp phần tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và hạn chế tối đa các mặt tiêu cực của Internet và giúp cho Nghị định số 72/2013/NĐ- CP có thể triển khai đồng bộ, thống nhất và đi vào cuộc sống thì rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ có văn bản đề nghị các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát và sớm có kế hoạch triển khai các nội dung trong Nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình.

+ Xin cảm ơn ông!

Khánh An (Thực hiện)

Nghị định 72 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/7, gồm 6 chương, 46 điều, quy định chi tiết về dịch vụ internet, tài nguyên internet, nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng.
 
“Thế giới phẳng” cũng nên có khuôn khổ!

Ngay sau khi Nghị định số 72/2013/NĐ- CP được ban hành, trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về các quy định của nghị định này: Có người đặt câu hỏi về tính khả thi của nghị định; có người đưa ra những giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự lây lan của những loài "nấm độc" trong đời sống xã hội; cũng có người bức xúc đòi "đóng cửa" mạng xã hội… Cần hiểu rằng, những quy định thể hiện thẩm quyền điều hành của Chính phủ, có tác động và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, đương nhiên sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người và luôn có ý kiến khác nhau xuất phát từ những "hệ quy chiếu" khác nhau trong xã hội. Thế nhưng, có thể khẳng định rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ- CP là hết sức cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại góp phần tạo nên một "thế giới phẳng" với xa lộ thông tin kết nối toàn cầu. Trên nền tảng đó, các mạng xã hội ra đời, trong đó sự bùng nổ của Facebook đã đánh dấu bước phát triển mới của mạng xã hội trực tuyến. Mạng xã hội trở thành căn phòng không khóa chứa đựng những điều tốt đẹp và cả những ô uế tạp nham của những kẻ cố ý ném vào vì những mục đích riêng.

Với việc kết nối không biên giới và tính đặc thù của thế giới "ảo", hoạt động của hệ thống mạng xã hội ngày càng phức tạp và tác động ngày càng lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống, gây nguy hại cho sự phát triển ổn định của đất nước. Có những website đăng ký hoạt động dưới dạng trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng lại hoạt động dưới hình thức báo điện tử, đăng tải các bài viết có nội dung nhạy cảm. Có một số người đã sử dụng các blog cá nhân đăng tải, truyền bá, phát tán những thông tin sai lệch hoặc lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để phê phán, phản đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Thời gian gần đây, những "blog đen" liên tiếp xuất hiện cho thấy các thế lực thù địch đã và đang biến mạng xã hội trở thành một công cụ đắc lực để tuyên truyền những quan điểm sai trái, khoét sâu, thổi phồng, tung thông tin sai lệch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu niềm tin của nhân dân, phá hoại an ninh, gây bất ổn trong xã hội… Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần có giải pháp quyết liệt. Việc quản lý, sử dụng internet và các mạng xã hội ở nhiều nước Đông Âu và phương Tây đã có những bài học đắt giá khi các "thế lực bóng tối" tận dụng triệt để sức mạnh của "xa lộ thông tin" cho những âm mưu gây rối, phá hoại.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy: Mặt trái của "mạng xã hội" không chỉ là chuyện tiêu tốn thời gian, chuyện giới trẻ phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội hay những phát ngôn tùy tiện, tự do quá trớn, mà nghiêm trọng hơn là những ảnh hưởng tiêu cực gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cho tiến trình phát triển kinh tế, cho việc giữ gìn, bồi đắp nền văn hiến và những giá trị đạo đức Việt Nam. Tuy nhiên, nếu "đóng cửa" mạng xã hội ở Việt Nam như đòi hỏi của một số người để ngăn chặn những độc hại trong đời sống xã hội cũng có nghĩa là từ bỏ những thành tựu khoa học mà internet mang đến cho loài người và đi ngược lại với xu thế phát triển. Mạng xã hội là công nghệ mang tính đột phá mang lại nhiều tiện ích, không phải là kẻ "tội đồ". Do vậy việc tạo ra những hành lang pháp lý để phát huy giá trị tích cực của internet, của mạng xã hội với những ưu điểm vượt trội của nó, đồng thời hạn chế những tiêu cực đối với đời sống, với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước, là hết sức cần thiết. Việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ- CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng là phù hợp với bối cảnh thực tế. Đã đến lúc Nhà nước cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn những "cơn gió độc".

N. Huy

+ Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT- TT) Lê Nam Thắng:

Môi trường internet giống như một xã hội thu nhỏ, vì có đến 2 tỷ trong số 7 tỷ người trên thế giới sử dụng internet. Giống như cuộc đời thực, xã hội xuất hiện những vi phạm nào thì môi trường internet cũng vậy. Để đấu tranh các thông tin sai lệch, vi phạm pháp luật thì một trong những biện pháp quan trọng đó là sự nỗ lực của cộng đồng cơ quan truyền thông nhằm cung cấp những thông tin chính thống, cũng như ý thức của chính bản thân những người sử dụng để định hướng, chọn lọc các thông tin đúng và lành mạnh trên internet. Ngoài ra, cũng rất cần những biện pháp giáo dục qua nhà trường, xã hội để người sử dụng hướng đến những thông tin tốt trên internet. Việc xác định khung pháp lý rõ ràng công khai minh bạch theo đúng Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển hạ tầng viễn thông và internet tại Việt Nam.

+ Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn:

Theo tôi, khi pháp luật quy định đầy đủ nhất là khi chúng ta tự do nhất. Tôi biết tôi được làm gì và không được làm gì. Chứ làm mà không biết mình đang làm cái gì, đúng hay sai thì còn nguy hiểm hơn. Chẳng hạn như việc, cá nhân biến trang thông tin điện tử của riêng mình (blog) thành nơi cung cấp thông tin tổng hợp, thì nó không còn là trang thông tin điện tử cá nhân nữa, mà đã trở thành trang thông tin điện tử tổng hợp. Còn những ai bảo rằng, đưa ra quy định như vậy là hạn chế tự do ngôn luận, theo tôi đó là tư duy ngụy biện.

+ Tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa:

Nghị định 72 của Chính phủ với nội hàm quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin. Mục đích là quản lý để đảm bảo an ninh, an toàn, phục vụ sự phát triển xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, mục đích của việc ban hành Nghị định có hai vế rõ ràng, đó là thúc đẩy Internet phát triển và việc sử dụng Internet phải tuân theo các nguyên tắc vì lợi ích chung. Việc thực hiện tốt các nội dung Nghị định cũng chính là bảo đảm thực hiện chính sách về quyền con người.

INTERNET- QUẢN LÝ ĐỂ PHÁT TRIỂN

Nghị định “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” của Chính phủ vừa ban hành, mang ký hiệu số 72/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 72), sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/9 này. Sự ra đời của Nghị định là nhu cầu khách quan, đúng với thông lệ quốc tế, để thực hiện sự quản lý của Nhà nước đối với một công cụ thông tin hữu hiệu, vì mục tiêu phát triển- phát triển internet, phát triển xã hội một cách lành mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định: Nghị định 72 sẽ làm “sạch” môi trường internet, trong đó có các quy định nhằm nâng cao và tăng cường hiệu quả bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; xử lý nghiêm các trang tin mạo danh. Bộ này khẳng định Nghị định được xây dựng trên cơ sở Luật Viễn thông và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, có tham khảo các quốc gia khác về các vấn đề có liên quan.

Nhìn rộng hơn, các quốc gia khác đều có chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo điều kiện và hoàn cảnh của mình. Ngay tại nước Mỹ, Điều 2385 Chương 115 của Bộ luật Hình sự Mỹ cũng nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ…”. Hiến pháp Mỹ cũng cho phép Tòa án Tối cao đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống đối với Nhà nước, xã hội và cá nhân. Mới đây, Cơ quan Phát triển Truyền thông (MDA) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, vì mục tiêu bảo đảm sự ổn định của một xã hội đa sắc tộc, đã ban hành quy định các trang tin điện tử được cấp phép có nghĩa vụ phải rút những nội dung “hủy hoại sự hài hòa về chủng tộc và tôn giáo trong vòng 24 giờ” sau khi cơ quan quản lý truyền thông quốc gia yêu cầu.

Những điều trên hoàn toàn phù hợp với nội dung “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên hợp quốc, được khẳng định tại Điều 29: “Mỗi người đều có nghĩa vụ với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Ấy vậy mà khi Việt Nam công bố Nghị định 72 về quản lý internet, xác định hành lang pháp lý cho hành vi dân sự mà đã có những thế lực “bày tỏ quan ngại”, phê phán, phản đối, cho rằng làm như vậy là hạn chế tự do cá nhân, hạn chế tự do báo chí. Gần đây nhất là Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên minh Tự do Trực tuyến, và trước đó là Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về Nghị định. Trước hết cần khẳng định rằng đó là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác, thể hiện không hiểu biết rõ bản chất của sự việc. Rồi một số cá nhân người Việt, những blogger cũng công khai trên mạng bauxite phản đối Nghị định 72, yêu cầu hãy để các cá nhân làm nhiệm vụ thông tin trên mạng cho đầy đủ thông tin, rằng báo chí nhà nước không cung cấp đủ thông tin cho họ?!

Vậy họ “lo ngại sâu sắc” ở điểm gì trong Nghị định 72? Tựu chung, họ cho rằng bằng việc ban hành Nghị định, Chính phủ Việt Nam ban hành lệnh cấm, cấm tự do báo chí! Các thế lực này nhằm vào khoản 4 Điều 20, quy định trang thông tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp, cho rằng điều đó làm hạn chế tự do thông tin.

Về việc này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh- truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin- Truyền thông đã nói rõ: “Đối với trang thông tin điện tử cá nhân, quy định này chỉ nhằm mục đích nêu khái niệm, hoàn toàn không cấm các cá nhân trên mạng xã hội chia sẻ thông tin. Các cá nhân vẫn có quyền đánh giá, bình luận về vấn đề mà mình chia sẻ, nhưng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về phát ngôn của mình, đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật. Quy định này còn nhằm mục đích bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền về thông tin cho các cơ quan báo chí.”

Internet là một phát minh vĩ đại của loài người, mang lại rất nhiều tiện ích, giúp con người kết nối với nhau, bất kể biên giới, thời gian và không gian; qua internet có thể đọc báo, tiếp nhận và trao đổi thông tin, trao đổi thư từ, cung cấp thông tin, xem phim, nghe đài, nói chuyện với nhau v.v... Vì thế internet cũng dễ dàng trở thành công cụ để kẻ xấu lợi dụng vào mục đích cá nhân, "nuôi cấy những cây nấm độc", đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức, làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã từng chứng kiến hệ lụy mà internet mang lại. Cái gọi là “Mùa xuân Ả rập”, các phong trào Chiếm lấy Phố Wall, Chiếm lấy Luân Đôn v.v... đã làm chính phủ nhiều nước phương Tây lo ngại, đưa ra những hành động ngăn chặn các mạng xã hội mà những kẻ chống đối sử dụng thành công để lan truyền lời kêu gọi tụ họp. Ở Việt Nam ta, không phải hiếm vụ những phần tử, thế lực lợi dụng blog, mạng xã hội để kích động chống phá nhà nước, xuyên tạc sự thật, tạo làn sóng bất bình. Đó là chưa kể các trang mạng điện tử sao chép vô tư các tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền, gây bức xúc trong giới báo chí…

Một bài báo của TTXVN đã rất đúng: Khi ai đó lạm dụng quyền tự do ngôn luận, sử dụng quyền tự do ngôn luận nhằm khiêu khích hoặc hạ thấp các giá trị của người khác, hành động đó chắc chắn không được bảo vệ. Còn nhớ mấy năm trước, việc một số tờ báo của Đan Mạch và sau đó là Pháp, đăng tải tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi đã làm bùng lên làn sóng giận dữ trong cộng đồng người Hồi giáo trên khắp thế giới. Vụ bê bối nghe lén và câu chuyện vi phạm đạo đức nghề nghiệp của tờ “News of the World” cũng đã dẫn đến việc đóng cửa tờ báo “lá cải” số 1 này ở Anh. Từ vụ tai tiếng này, chính phủ Anh đã phải đưa ra quy định mới nhằm kiểm duyệt gắt gao hơn ngành truyền thông. Một tổ chức được thành lập trực thuộc chính phủ Anh, được quyền ban hành lệnh cấm hoạt động, đình bản vĩnh viễn, hay nhẹ hơn là phạt tiền và buộc phải đăng lời xin lỗi trên trang nhất,… đối với những sai phạm của cơ quan báo chí. Nhưng đình đám hơn cả và làm chấn động cả thế giới thời gian qua là vụ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Mỹ. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ và phương Tây, NSA đã nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người, xâm nhập máy tính của nhiều tổ chức và nhân vật quan trọng trong và ngoài nước Mỹ để thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân,… trong một thời gian dài.

Những dẫn chứng trên một lần nữa khẳng định rằng không một quốc gia nào coi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là tuyệt đối. Các hoạt động truyền thông xã hội như các trang thông tin điện tử của cá nhân hay tổ chức đều phải tuân thủ tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp.

TL
 
Theo Nhà báo & Công luận