1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ sập lò tại mỏ than Mông Dương:

Không phải do nguyên nhân bất khả kháng

Theo ông Đỗ Minh Nghĩa - Trưởng ban Bảo hộ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - vụ sập lò mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh) không thể nói là “do nguyên nhân bất khả kháng”!

Sau khi xảy ra vụ sập lò mỏ than Mông Dương, ông Đoàn Văn Kiển - Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam – đã khẳng định, vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng. Nhưng trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nghĩa phủ nhận ý kiến này:

 

Trong ngành Than, 3 nguy cơ chính xảy ra tai nạn lao động là: sập lò, nổ khí mê tan (CH4) và bục “túi nước”. Mặc dù ngành Than đã có nhiều cố gắng nhưng tại sao các vụ tai nạn lao động có nguyên nhân trên vẫn cứ xảy ra?

 

Về nguyên tắc, trước khi mở lò mới, Công ty khai thác phải khảo sát kỹ về địa chất; đồng thời có các biện pháp ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn.

 

Qua 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong ngành Than xảy ra gần đây nhất (vụ nổ khí mê tan tại Công ty Than Thống Nhất, ngày 6/3, làm chết 8 người và vụ sập lò tại Công ty than Mông Dương, ngày 31/3, làm chết 4 người, 17 người bị kẹt nhiều giờ trong lò), tôi thấy việc đầu tư công tác an toàn lao động “có vấn đề”.

 

Công ty khai thác đã không lường hết hậu quả hoặc không làm xuể các công việc cần thiết để đảm bảo an toàn lao động vì “chạy” theo sản lượng, thành tích. Hay nói cách khác, việc đảm bảo an toàn lao động không theo kịp tiến độ sản xuất.

 

“Túi nước” - thủ phạm vụ sập lò này, hoàn toàn có thể được phát hiện, nếu như ngành Than làm đúng quy trình khai thác. Vì thế, không thể nói là do nguyên nhân bất khả kháng.

 

Theo ông, để xảy ra vụ sập lò đó, trách nhiệm thuộc về ai?

 

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng trong hoạt động khai thác mỏ than của TVN, đặc biệt vụ sập lò tại mỏ Mông Dương ngày 31/3 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo (tại Công văn số 1951/VPCP-CN, ngày 13/4/2006), theo đó:

 

1.Yêu cầu TVN kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp chấm dứt tình trạng vi phạm quy định của pháp luật; quy trình, quy phạm trong hoạt động khai thác than.

 

2. Bộ Công nghiệp phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xem xét việc thực hiện an toàn ở các mỏ; nghiên cứu, bổ sung các quy định về quy trình, quy phạm; đảm bảo ATLĐ ở các mỏ than, đặc biệt mỏ than hầm lò.

Trách nhiệm lớn nhất thuộc về các nhà quản lý (Công ty than Mông Dương và TVN). Vấn đề ở chỗ: Sau khi xảy ra tai nạn lao động, các cơ quan chức năng (trong đó có ngành Than) đã không tìm hiểu (hoặc tìm hiểu không cặn kẽ) chính xác nguyên nhân, chỉ thấy nguyên nhân trước mắt mà không thấy được nguyên nhân sâu xa, lại thường đổ lỗi cho người lao động.

 

Do đó, họ đã không đưa ra được các biện pháp hữu hiệu. Chính vì thế, năm này qua năm khác, các vụ tai nạn lao động có nguyên nhân giống nhau vẫn thường xuyên lặp lại. Người gánh hậu quả lớn nhất lại chính là thợ mỏ…

 

Dư luận cho rằng, lãnh đạo ngành Than phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

 

Tôi đồng tình với điều này. Bởi Thứ nhất, trong việc để xảy ra vụ sập lò này, ngành than đã làm chưa tốt khâu thăm dò, khảo sát địa chất. Mũi khoan dài 5m mà ngành than cho rằng đã dùng để khoan thăm dò hôm đó thực chất là dùng để khoan khai thác (hoặc khoan nổ mìn), chứ không phải là khoan thăm dò.

 

Thứ hai, theo quy trình, việc nổ mìn phải được thông báo cho người lao động trong phạm vi nhất định. Nếu không thì là vi phạm yêu cầu an toàn lao động trong khai thác than.

 

Thứ ba, nguyên tắc cứu hộ, cứu nạn là thực hiện mọi biện pháp trong thời gian nhanh nhất để cứu người bị nạn và tài sản. Nếu cứu người ở cửa Vũ Môn nhanh hơn thì phải thực hiện ở đó.

 

Theo Đức Kế

Tiền Phong