Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng
(Dân trí) - Sáng 28/6, trong buổi họp báo cáo kết quả thanh tra 6 tháng đầu năm 2007, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến kết luận thanh tra các sai phạm ở Ngân hàng Nhà nước, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và việc “nắn đường” qua nhà “quan” trong dự án kè Hồ Tây.
>> 6 cuộc thanh tra phát hiện sai phạm hơn 320 tỷ đồng
Liên quan đến kết quả thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, được biết mới đây cơ quan điều tra - Bộ Công an đã vào cuộc và đã làm việc với Thanh tra Chính phủ (TTCP). TTCP có thể khẳng định thông tin, thanh tra phát hiện những dấu hiệu sai phạm hình sự nên chuyển CQĐT xử lý?
Với việc ở Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng các hoạt động thanh tra ở đây. Thủ tướng đã kết luận và ủy quyền cho Tổng TTCP công bố kết quả thanh tra như vừa qua.
Còn việc kiến nghị chuyển một số nội dung sang CQĐT, về phía TTCP, chúng tôi có ý kiến xung quanh 3 vấn đề: việc giải quyết hợp đồng giấy in tiền, việc mua sắm trang thiết bị và trách nhiệm trong việc quản lý quỹ dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ kiến nghị các cơ quan chức năng (trong đó có CQĐT) xem xét một số điểm chưa rõ ràng. CQĐT vào cuộc là theo tinh thần này chứ không phải trên cơ sở đề nghị của cơ quan thanh tra. Cũng không nên hiểu CQĐT vào cuộc nghĩa là có vấn đề. Thanh tra chuyển cho CQĐT là để điều tra làm rõ những điều mà thanh tra không có khả năng làm chứ không phải chuyển sang xử lý hình sự.
Theo quy định, nếu phát hiện sai phạm, Tổng TTCP hoàn toàn có quyền kiến nghị chuyển CQĐT vào cuộc. Vậy tại sao, thanh tra không thực hiện quyền này của mình mà luôn phải báo cáo Thủ tướng sau đó lại chờ Thủ tướng có ý kiến?
Chúng tôi thường xuyên báo cáo Thủ tướng là vì chúng tôi vẫn phải làm theo trách nhiệm của mình. Không phải là chúng tôi né tránh trách nhiệm, đùn đẩy cho Thủ tướng trách nhiệm này mà vì yêu cầu thận trọng trong công việc. Thường sau kết luận thanh tra các đơn vị vẫn có kiến nghị. Họ cũng có giải trình gửi lên Thủ tướng nên Thủ tướng cũng phải xét lại giải trình đó để xem kết luận của thanh tra có đủ căn cứ, đủ chứng cứ thuyết phục chưa, nếu đủ, Thủ tướng sẽ có kết luận.
Chuyển sang việc thanh tra tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), được biết, thanh tra cũng phát hiện rất nhiều sai phạm. Ông có thể cho biết sơ bộ kết quả thanh tra?
Về việc thanh tra tại Vietnam Airlines, chúng tôi cũng đã kết thúc và báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng đã có kết luận nhưng việc công bố còn phải chờ thông báo bằng văn bản. Chỉ có thể nói khái quát là toàn bộ những kết luận của thanh tra đã được Thủ tướng đồng ý, cho rằng có căn cứ để quyết định buộc đơn vị phải chấp hành.
Trong 12 nội dung mà chúng tôi tiến hành thanh tra đều phát hiện sai phạm ở các mức độ khác nhau. Trong đó có những sai phạm do nguyên nhân khách quan nhưng cũng có rất nhiều sai phạm từ nguyên nhân chủ quan do việc tùy tiện trong công tác quản lý tài chính; lãnh đạo các đơn vị chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc mua sắm vật tư, phụ túng, máy móc cho hoạt động của ngành hàng không.
Việc thanh tra tại Vietnam Airlines đã “kéo ra” khá dài. Nguyên nhân ở đâu, có phải vì tính chất vụ việc, thưa ông?
Một nguyên nhân khiến thời gian thanh tra kéo dài vì Vietnam Airlines đã cung cấp hồ sơ, tài liệu cho thanh tra rất chậm trễ, có những tài liệu Tổng Công ty phải làm lại từ đầu mới chuyển cho chúng tôi thanh tra được nên không thể đúng dự kiến. Tổng Công ty cũng có rất nhiều giải trình nhiều lần, mức độ giải trình cũng lớn nhất từ trước đến nay, kết luận của chúng tôi chỉ mấy chục trang nhưng giải trình lên đến 150 trang.
Liên quan đến vụ việc này, được biết, TTCP có kiến nghị kiểm điểm một số đơn vị nhưng chỉ là kiến nghị xử lý hành chính?
Chúng tôi chỉ kiến nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm đối với Cục hàng không và Bộ giao thông vận tải. Vấn đề này đã được Thủ tướng chỉ đạo.
Trách nhiệm của TTCP là làm rõ tập thể nào chịu trách nhiệm chính, tập thể nào liên đới, cá nhân nào chịu trách nhiệm chính… Còn việc xử lý lại lệ thuộc vào kết quả kiểm điểm và kết luận xử lý. TTCP không thể kiến nghị mức xử lý cũng như không thể quyết định được việc xử lý hình sự hay không.
Theo kết luận của TTCP về dự án kè hồ Tây, có phát hiện việc “nắn đường” qua nhà “quan” nhưng vừa qua Hà Nội vẫn phản ứng về kết luận đó. Vậy việc xử lý thời gian tới sẽ được tiến hành theo hướng nào, thưa ông?
Về dự án đường qua Hồ Tây, chúng tôi vẫn khẳng định là kết luận thanh tra có căn cứ. Hơn nữa, đây là kết luận của đoàn thanh tra liên ngành có Ủy ban Kiến trúc Trung ương, Bộ Xây dựng, Văn phòng chính phủ, Bộ TN-MT, Thanh tra Hà Nội và có kết luận Hà Nội làm sai. Phó thủ tướng cũng đã yêu cầu Hà Nội kiểm điểm vì có một số sai phạm và phải làm đúng qui hoạch, phải đối thoại với dân.
Các cơ quan đã có kết luận, nếu Hà Nội làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Tôi nói rằng, nếu Hà Nội làm đúng qui hoạch mà không nói qui hoạch nào thì có thể Hà Nội sẽ lại làm theo qui hoạch cũ. Là cơ quan duyệt quy hoạch, chính Bộ Xây dựng cũng khẳng định Hà Nội làm sai.
Xin cảm ơn ông!
Phương Thảo - Cấn Cường (ghi)