1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Không lẽ đợi đến khi dân không còn tín nhiệm mới rút?”

Chiều 23/4, tin bất ngờ gây ngạc nhiên rất nhiều đại biểu dự Đại hội X: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Mai Ái Trực đã rút tên khỏi danh sách bầu Ban chấp hành TW khóa X vào giờ chót.

Tối qua, Bộ trưởng Trực đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi về hành động gây bất ngờ này của ông.

 

Thưa bộ trưởng, ông đang rất hăng say với công việc và lại được BCH TW khóa IX giới thiệu vào BCH TW khóa X, tại sao ông lại xin rút khỏi danh sách?

 

Lý do tôi xin rút là vì sức khỏe không bảo đảm để làm việc lâu dài, tôi đã 60 tuổi. Tôi đã biết sức khỏe không còn tốt mà vẫn cố làm thì không nên. Thật ra việc tôi xin không tái cử đã được đặt ra từ khi Đảng chuẩn bị nhân sự cho BCH TW khóa X. Trước Hội nghị TW 13, tôi đã đề đạt nguyện vọng đến đồng chí Tổng bí thư xin không tái cử và mong được nghỉ hưu sau Đại hội X.

 

Trong hai phiếu giới thiệu nhân sự của Bộ TN-MT vào BCH TW, tôi đều đã giới thiệu người thay tôi. Nhưng BCH TW khóa IX vẫn đưa tên tôi vào danh sách ứng cử và trình ra đại hội. Tôi tiếp tục gửi đơn lên Bộ Chính trị xin rút khỏi danh sách này nhưng không được chấp nhận. Và đại hội là cơ hội còn lại duy nhất để xin rút nên tôi lại tiếp tục làm đơn đề nghị đoàn chủ tịch đại hội cho tôi rút.

 

Nhưng sao ông kiên quyết xin rút khi vẫn còn được tín nhiệm cao?

 

Không lẽ đợi đến khi dân không còn tín nhiệm nữa mới rút?

 

Theo thông lệ, sau đại hội sẽ bầu lại Chính phủ mới, vậy ông có tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ TN-MT?

 

Tôi có nguyện vọng được nghỉ sớm và đã đề xuất người thay tôi, còn nghỉ vào lúc nào là do Thủ tướng quyết định, trình ra Quốc hội phê chuẩn theo trình tự thủ tục.

 

Nhưng ông vẫn còn đang nợ rất nhiều câu hỏi của người dân về chuyện đất đai mà ông chưa trả lời hết trong lần giao lưu trực tuyến mới đây, thưa ông?

 

Về quyết định xin rút của Bộ trưởng Mai Ái Trực, vợ Bộ trưởng Mai Ái Trực nói: "Chúng tôi đã bàn với nhau nhiều lần rồi. Sức khỏe của ông ấy hiện nay không được tốt lắm nên đã đến lúc phải nghỉ”.

Buổi giao lưu trên mạng hôm ấy, chúng tôi nhận được trên 2.500 câu hỏi, đến nay chúng tôi đã trả lời được 505 câu. Có nhiều câu hỏi về các vụ việc quá cụ thể ở địa phương mà chúng tôi không đủ thông tin để trả lời hoặc nhiều câu trùng nhau thì chúng tôi trả lời chung một lần. Những câu hỏi còn lại chúng tôi sẽ lần lượt trả lời tiếp và cập nhật lên trang web của bộ. Chắc là không thể trả lời hết, nhưng tôi nghĩ vẫn còn cơ hội để trả lời.

 

Người dân bảo ông là ông bộ trưởng luôn sẵn sàng đối thoại với dân?

 

Không đối thoại không được. Chuyện đất đai, môi trường là chuyện ở trong dân. Không đối thoại thì biết như thế nào để quản lý. Nghe dân, hiểu dân chỉ có lợi. Chính nhờ nghe dân, chúng tôi mới phát hiện được những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật để sửa đổi, bổ sung. Và cũng chính nhờ nghe dân, chúng tôi biết được cán bộ của ngành mình ở các cấp đã xử lý công việc như thế nào, đúng hay sai, nhanh hay chậm.

 

Nhưng có nhất thiết bộ trưởng phải lặn lội xuống tận nơi để xem xét, chẳng hạn về “làng ung thư” Thạch Sơn, vào khu vực sụt lở đất ở Quảng Trị?

 

Tính tôi là phải xem xét cụ thể thì mới quyết định hoặc có ý kiến xử lý. Cực chẳng đã tôi mới ngồi nghe anh em báo cáo. Càng đi nhiều tôi càng thấy người dân mình có nhiều bức xúc và cũng tốt quá.

 

Hôm nọ, tôi có nói với Thủ tướng Phan Văn Khải là dân mình thật hiền. Vụ ung thư ở Thạch Sơn do doanh nghiệp nhà nước gây ra ô nhiễm. Thế mà chúng ta chỉ mới đưa các đoàn y tế xuống khám sức khỏe, cho ít thuốc và chữa trị bệnh ung thư không mất tiền thì bà con đã biết ơn, đã cho rằng Nhà nước quan tâm lắm rồi.

 

Thật ra người dân không đòi hỏi gì lắm đâu, họ chỉ cần Nhà nước nhìn thấy những bức xúc của họ và quan tâm giải quyết vấn đề là họ đồng tình, họ chia sẻ ngay.

 

Nhiều cán bộ than thở gặp dân mất rất nhiều thời gian. Còn người dân thì kêu đến cơ quan nhà nước rất ít khi được giải quyết đúng hạn?

 

Điều đó cho thấy chúng ta chưa thật sự giải quyết tốt những vấn đề vướng mắc của dân. Chính vì vậy, cán bộ nhà nước càng phải gần dân hơn. Quản lý nhà nước mà bảo thủ, cho rằng mình ban hành cái gì cũng đúng thì chết dân.

 

Trong chính sách, pháp luật đất đai trước đây thường khi gặp những vấn đề phức tạp, chúng ta hay né tránh, nên tồn đọng về đất đai rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi chủ trương không né tránh bất cứ vấn đề gì cả. Cái gì vướng mắc mà phát hiện được đều phải giải quyết.

 

Theo Đoan Trang – Xuân Trung

Tuổi Trẻ