1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần Thơ:

Không hộ khẩu, hơn 1.000 hộ dân kêu trời

Cần Thơ đang có hơn 1.000 hộ dân có nhà ở lâu năm nhưng không được nhập hộ khẩu. Chính vì nguyên nhân này mà từ lâu nhiều người không có chứng minh nhân dân, không thực hiện được các giao dịch dân sự, phải “mượn” tên người khác để học hành, cưới xin...

Từ “ấp người lậu” ở nông thôn

Ông Đỗ Văn Kiểng, Trưởng ấp Thới Thuận, thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ) giải thích: “Hơn một nửa dân ấp không có hộ khẩu nên gọi như vậy”. Ấp có 260 hộ dân thì 150 hộ không có hộ khẩu, hộ ít cũng 5-7 người, hộ nhiều thì hơn chục người. Các hộ này sinh sống ổn định đều trên 20 năm và đều thuộc diện nghèo. Không có hộ khẩu thì không được vay vốn làm ăn nên nghèo hoài. Thanh niên muốn xuất khẩu lao động cũng đành chịu.

Ông Kiểng than thở: “Nhiều gia đình hai ba thế hệ làm “người lậu”, trai gái lấy nhau không cần giấy kết hôn, trẻ con không làm khai sinh được”. Bà Nguyễn Thị Điêm, 77 tuổi sinh sống ở ấp đã 21 năm, nói rằng không còn nhớ bao nhiêu lần đi xin nhập hộ khẩu và bị từ chối, gần đất xa trời rồi bà vẫn phải lọ mọ xin “ở lậu”.

Hộ của bà Điêm có 3 thế hệ với 9 người gồm bà, con và các cháu chẳng ai có mảnh giấy tùy thân. Bà mếu máo: “Nhìn con cháu chẳng đứa nào có mảnh giấy tùy thân lận lưng, chắc tui chết không nhắm mắt được”.

Bà Võ Như Tuyết, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính -Trật tự xã hội, Công an Cần Thơ cho biết đã có nghị định mới của Chính phủ quy định về đăng ký hộ khẩu, các hộ dân trong vùng quy hoạch chưa có thông báo di dời vẫn được giải quyết hộ khẩu.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - ông Phạm Phước Như cho biết đang chỉ đạo các ban ngành khẩn trương làm hộ khẩu cho các hộ dân trong vùng quy hoạch, đặc biệt là khu vực Bà Hòa (phường Hưng Lợi) và Bãi Cát (phường Cái Khế). Tuy nhiên, ở cơ sở thì dân vẫn kêu trời.

Cạnh nhà bà Điêm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà và hai con sống trong ngôi nhà lá mục nát, chẳng ai có chứng minh nhân dân, con gái lớn tên Thảo, con trai tên Võ. Chị Hà nói: “Là vợ chồng chị gọi tên chúng nó thôi chứ ra đường chẳng ai biết chúng tên gì đâu, chẳng đứa nào có giấy khai sinh cả”. Chị cho biết vì không có hộ khẩu nên không làm khai sinh cho con được. Thằng Võ được hàng xóm thương tình cho mượn giấy khai sinh đi học, ở trường nó tên là Lê Ngọc Thành.

“Nhà nghèo quá. Chồng tôi đi làm mướn xa rủi có chuyện gì chắc cũng không ai biết ở đâu mà báo tin” - Chị Hà rớm nước mắt.

Trưởng công an ấp Trần Văn Tư cho biết, hơn 50% dân ấp không có hộ khẩu là vì làm nhà trên đất công. Muốn được cấp tạm trú có thời hạn, phải có xác nhận của chính quyền địa phương cũ. Tuy nhiên bà Điêm trước sống ở Bình Phước, nhiều lần ngược xuôi xin xác nhận không được nên 3 thế hệ gia đình đành chịu phận “người lậu” hàng chục năm.

Đến “sống chui” vì quy hoạch “treo”

Cần Thơ có hơn 1.000 hộ dân sống trong các khu quy hoạch không được đăng ký hộ khẩu, khi quy hoạch bị treo thì các hộ dân khốn đốn. Quận Ninh Kiều ở trung tâm TP Cần Thơ đang có 905 hộ không hộ khẩu với 3.402 người tập trung ở các phường Hưng Lợi, An Hòa, Cái Khế, An Bình và Xuân Khánh. Tình trạng một hộ khẩu tạm nhưng chen chúc nhiều thế hệ với cả chục nhân khẩu là phổ biến.

Ông Nguyễn Văn Tuội ở khu vực Lợi Nguyên B, phường An Bình ngoài 70 tuổi nhưng chưa được làm chủ hộ. Chủ hộ khẩu là mẹ của ông, năm nay đã gần 90 tuổi và cuốn hộ khẩu đã có 30 người của 4 thế hệ.

Ông Tuội bức xúc: “Ở vào khu quy hoạch nên chúng tôi không tách hộ khẩu được và quy hoạch đã treo nhiều năm”. Khu vực Bà Hòa, phường Hưng Lợi có 31 hộ dân không được cấp hộ khẩu cũng vì quy hoạch treo.

Ông Phạm Hoàng Hân, Trưởng khu vực cho biết: “Quy hoạch có từ năm 1990 đã thay đổi vài lần nhưng vẫn cứ treo”. Hẻm 83 đường 3/2, phường Hưng Lợi có 18 hộ dân “sống chui” phải câu nhờ điện nước sinh hoạt ở các hộ dân cách xa hơn 200 mét.

Chị Vũ Thị Hiền, sống trong hẻm này kể: “Trước gia đình tôi sống ở phường Xuân Khánh có hộ khẩu, chuyển về đây đã 17 năm thì “sống chui”. Mấy năm đầu, phải thắp đèn dầu vì không được mắc điện”.

Phường Cái Khế có hàng trăm hộ “sống chui” tại khu Bãi Cát vì những quy hoạch treo đã 15 năm. Anh Mai Ngọc Hùng, một người dân tại khu vực này nói: “Sống chui ở nhà mình nhưng muốn bán nhà đi nơi khác cũng không được”.

Theo Kiến Giang
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm