1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Không để cụ rùa bị vướng víu đường ống khi di chuyển

(Dân trí) - Trước những luồng ý kiến lo ngại về việc các đường ống nổi trên mặt nước hồ Gươm đã làm phương hại đến cụ rùa, phía cơ quan chức năng cho biết sẽ tìm biện pháp "ghim" các đường ống này xuống sát đáy hồ.

Đường ống nước hay điện ngầm?

Hồ Gươm bước vào mùa cạn nước đã hơn 2 tháng nay. Cũng vì nguyên nhân này, thời gian gần đây, nhiều người dân đi dạo quanh hồ đều nhìn rõ hai đường ống dài khoảng 20m (tính từ bờ hồ) khá to bằng nhựa, nổi trên mặt nước. Hai đường ống xuất phát từ phía đền Ngọc Sơn chạy qua hồ chạy về phía đường đôi Đinh Tiên Hoàng.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, đó là đường cáp điện ngầm để đưa điện phục vụ quanh hồ và sẽ gây nguy hiểm khôn lường cho cụ rùa ở hồ Gươm.

Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm: Đây là hai đường ống phục vụ sinh hoạt của đền Ngọc Sơn, 1 ống đưa chất thải ra hệ thống chung của thành phố (nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng), ống còn lại dẫn nước sạch từ hệ thống của Cty Kinh doanh nước sạch Hà Nội ngược trở lại vào đền.

Không để cụ rùa bị vướng víu đường ống khi di chuyển - 1
 Cụ rùa "nổi giận" gặm hai đoạn ống nổi trên mặt hồ? (Ảnh: Hà Hồng)

Hệ thống đường ống này đã có từ rất lâu. Trước đó, các ống này vốn được ghim chìm xuống đáy hồ, nay không hiểu vì lý do gì đã lộ thiên trên mặt nước cản trở việc di chuyển và có thể là nguyên nhân gây ra những vết trầy xước trên mai của cụ rùa.

“Trước đây, khi hai đường ống này nằm sát đáy hồ, cụ rùa bơi qua bơi lại không bị vướng. Nay hai đường ống nổi lên mặt nước, buộc cụ phải bơi chui qua mỗi lần muốn qua khu vực này. Do nước ở đây khá cạn nên khi cụ bơi đến đâu nước ở đó đục ngầu do bùn bị sục lên. Cũng do khoảng cách từ đáy hồ đến hai đoạn ống nước rất hẹp, nên mỗi lần chui qua đó có thể cụ rùa bị ống nước chà sát mạnh vào mai”- Nhà báo Hà Hồng, người đã gắn bó, quan sát hồ Hoàn Kiếm hơn 30 năm nay nói.

Cũng theo ông Hồng, những bức ảnh chụp các vết trầy xước trên rìa mai và trên lưng cụ, trên cổ cụ rùa trong những ngày gần đây đều chứng minh nhận định này.

Không để cụ rùa bị vướng víu đường ống khi di chuyển - 2

Cụ rùa nổi thường xuyên những ngày gần đây (Ảnh: Hà Hồng)
 
Nhận định về những ý kiến cho rằng hai đoạn đường ống đã khiến cụ rùa “nổi giận”, liên tục lao vào gặm, nhà báo Hà Hồng cho rằng:  Có thể do lâu ngày, đoạn đường ống đã mọc rêu, ốc (là thức ăn của rùa) nên chỉ đơn giản là việc cụ kiếm thức ăn ở khu vực hai đoạn ống đó. Ngoài ra, không loại trừ khả năng một đoạn ống nước thải nào đó do lâu ngày đã bị rò rỉ, gây ra mùi, thu hút các nhiều cá đến kiếm mồi, nên cụ rùa cũng liên tục quanh quẩn ở khu vực này bắt cá.

“Dù vậy, việc cấp thiết là phải xử lý ngay hai đường ống đang nổi trên mặt hồ gây tác hại đến sức khoẻ của cụ rùa. Cơ quan chức năng nên thay hai đường ống nhựa đã quá cũ bằng ống kim loại dày, rồi lại ghim chặt chúng dưới đáy hồ, không làm ảnh hưởng đến đường đi lối lại của cụ”- ông Hồng kiến nghị

Tuy nhiên, theo nhận định của PGS-TS Hà Đình Đức, nguyên nhân gây ra những vết thương trên mai cụ rùa hồ Gươm  là do rùa tai đỏ gây ra. Những bức ảnh chụp gần gây cũng cho thấy rùa tai đỏ bám cả trên mai, trên cổ mỗi khi cụ rùa nổi lên.

Cùng đó, cụ rùa còn có thể là nạn nhận của những lưỡi câu chùm 6 cạnh làm từ lò xo súng AK rất cứng, có thể gây vết thương nặng cho cụ rùa, nếu không may cụ rùa đớp phải.

Đồng loạt tiến hành nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho cụ rùa

Trước những thông tin này, hôm qua 12/1, tổ công tác xử lý rùa tai đỏ hồ Gươm của Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Hà Nội bắt đầu tiến hành khảo sát, nghiên cứu các điểm rùa tai đỏ đẻ để đặt bẫy lồng bắt rùa tại khu vực đền Ngọc Sơn và tháp Rùa.

Các bước xử lý đã được đưa ra, bao gồm: Nghiên cứu chế tạo bẫy lồng để bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm nhưng không gây vẩn đục, không ảnh hưởng đến hệ động thực vật thủy sinh của hồ Gươm, đảm bảo cảnh quan; Nghiên cứu mồi dẫn dụ rùa và vị trí đặt thiết bị bắt rùa. Trước mặt phải tiến hành bắt rùa tai đỏ ở một số hồ để rút kinh nghiệm rồi mới triển khai bắt rùa ở hồ Gươm.

Không để cụ rùa bị vướng víu đường ống khi di chuyển - 3

Cán bộ Sở KH-CN Hà Nội khẩn cấp tiên hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho cụ rùa hồ Gươm.
(Ảnh: Hà Hồng)

TS Hà Đình Đức cũng tán thành những dự kiến sẽ được Sở KH-CN đưa ra. Tuy nhiên, ông Đức cảnh báo tổ công tác xử lý rùa tai đỏ phải tiến hàng gấp những hoạt động trên, bởi trên thực tế, hiện số rùa tai đỏ trong hồ Hoàn Kiếm đang sinh sản cực kỳ nhanh chóng và đang tận diệt các loài thuỷ sinh vốn là thức ăn của cụ rùa.

Cùng đó, phía Sở KH-CN đã bắt đầu tiến hành khảo sát hệ thống đường ống đang lộ thiên trên mặt hồ. Được biết, Sở này đang đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng có biện pháp xử lý ghim lại hai đường ống cũ và triển khai lắp đặt thệ thống đường ống mới nhằm thay thế.

Về vấn đề bảo vệ cụ rùa trước mối nguy cơ đớp phải lưỡi câu chùm, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Công tác bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi câu trộm rùa, cá trên hồ từ lâu đã được triển khai và hiện đang được tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

“Các đối tượng có “tiền án” câu trộm cá, rùa trên hồ đã được chúng tôi đưa vào hồ sơ quản lý chặt chẽ. Gần đây, Ban quản lý hồ đã gửi thông tin về hàng chục đối tượng chuyên câu trộm ở hồ Gươm đến UBND và công an 6 phường xung quanh hồ để xử lý. Vì thế, hiện tình trạng câu trộm vòng quanh bờ hồ đã giảm thiểu. Từ đó, nguy cơ cụ rùa “dính” phải lưỡi câu chùm sẽ được hạn chế đến mức tối đa.

Việc tuyên truyền người dân không mua, thả rùa tai đỏ xuống hồ vào dịp phóng sinh đã được tiến hành nhiều và hiện, ý thức tự giác của người dân cũng được nâng cao, nhiều người không mua rùa đi thả nữa. Do nhu cầu ít, nên nguồn cung cũng bị giảm sút nhiều. Theo đó, tình trạng câu trộm rùa đem bán cũng tự giảm hẳn.”- ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cũng cho hay, trong dịp rét đậm vừa qua, cụ rùa vẫn nổi lên khá đều đặn. Riêng ngày 12/1, nhân viên Ban quản lý đã chứng kiến 2 lần cụ nổi lên trong thời gian khoảng nửa tiếng. Thống kê cho đoạn hồ cụ thường nổi nhiều nhất (80% số lần nổi) là khu vực giữa đền Ngọc Sơn và đường đôi Đinh Tiên Hoàng.

 P. Thanh

 


 

 

 

 

.