1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không cung cấp thông tin thuê bao theo yêu cầu, doanh nghiệp viễn thông bị phạt nặng

(Dân trí) - Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất xử phạt phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động không cung cấp thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Theo dự kiến, tuần tới Bộ Tư pháp sẽ tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 4 năm thi hành Nghị định số 174/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử lý được tổng số 20.827 vụ vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 31 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm về trộm cắp, mua bán tài khoản ngân hàng có 16 vụ; 13 vụ phát tán vi rút máy tính, phần mềm gây hại; 157 vụ phát tán tin nhắn rác; vi phạm về dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến là 16.233 vụ,…

Ngoài ra đã xử lý hình sự 2 vụ lắp đặt thiết bị viễn thông trái phép sử dụng SIM thuê bao di động trả trước để chuyển lưu lượng viễn thông quốc tế về Việt Nam nhằm trộm cắp cước viễn thông quốc tế (trong đó có một vụ do người Trung Quốc thực hiện). 2 vụ việc này đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện được thực hiện tương đối nghiêm túc, công khai, khách quan, công bằng.

Tuy nhiên, trong công tác thanh kiểm tra vẫn có tình trạng không hợp tác, thậm chí chống đối của doanh nghiệp, đại lý viễn thông, đặc biệt là doanh nghiệp viễn thông không phải là doanh nghiệp nhà nước như làm giả số liệu cước, lưu lượng điện thoại từ tổng đài. Một số doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần và sẵn sàng chịu xử phạt miễn là đạt được mục tiêu về lợi nhuận.

Trong quản lý thông tin thuê bao di động trả trước chưa phân định rõ, cụ thể trách nhiệm giữa doanh nghiệp viễn thông di động và các điểm ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao dẫn đến khi có vi phạm thì 2 bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nên cũng gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm hành chính.

Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 174/2013 đề xuất phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao; Không đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc đăng tải danh sách không đầy đủ thông tin theo quy định.

Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động khi vi phạm một trong các hành vi: Chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền; Không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định; Không cung cấp thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không cung cấp phương thức tự kiểm tra thông tin thuê bao hoặc cung cấp thông tin thuê bao cho chủ thuê bao tự kiểm tra nhưng không đầy đủ theo quy định.

Phạt tiền điểm truy cập internet để người xem phim đồi trụy

Dự thảo nghị định đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Không ghi số đăng ký kinh doanh đại lý Internet trên biển “Đại lý Internet” đối với đại lý Internet phải ký hợp đồng đại lý Internet; Không ghi tên doanh nghiệp hoặc không ghi số giấy phép cung cấp dịch vụ Internet của doanh nghiệp trên biển “Điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng”; Không thể hiện đầy đủ các hành vi bị cấm theo quy định trong nội quy sử dụng dịch vụ Internet; Không niêm yết giá cước.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định; Đại lý Internet sử dụng đường truyền thuê bao của hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho công cộng; Để người sử dụng Internet thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, cờ bạc, mê tín dị đoan.

Ngoài ra, đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng đối với điểm truy nhập Internet công cộng có hành vi vi phạm quy định trên.

Thế Kha