1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không chọn việc nhẹ nhàng

Trong cuộc sống luôn bị hối thúc bởi sự vụ lợi và thực dụng này, nếu nói một ai đó biết nhận khó khăn về mình, không chọn việc nhẹ nhàng, có lẽ là điều xa xỉ. Mặc dù hiếm hoi, nhưng đáng mừng là chúng ta vẫn còn có những con người như thế.

Tôi đang muốn nói đến những chiến sĩ trong lực lượng phòng chống ma túy. Tại sao khi đưa ra những lựa chọn, không mấy ai chọn về lực lượng phòng chống ma túy. Có phải vì lực lượng phòng chống ma túy nguy hiểm, có phải vì lực lượng phòng chống ma túy nghèo, hay có phải vì nghề này phải đối mặt với những loại tội phạm được coi là “cặn bã” dưới đáy của xã hội??? Có nhiều lý do được người ta đưa ra để từ chối. Song, với những người đã từng sống trong môi trường khốc liệt của mặt trận phòng chống ma túy, quyết đấu tranh đến cùng với “cái chết trắng” thì họ lại có nhiều lý do hơn thế để trả lời câu hỏi vì sao họ không chọn việc nhẹ nhàng.
 
Gian khổ biết dành phần ai
 
"Gian khổ biết dành phần ai"

Trung tá Nguyễn Phương Hoa – Đội phó Đội CSPCTPMT CAQ Hoàng Mai là một người như vậy. Kể từ khi thành lập CAQ Hoàng Mai đến nay đã được 9 năm thì chừng ấy năm chị gắn bó và giữ cương vị chỉ huy của Đội CSPCTPMT. Và cũng chừng ấy năm chị là nữ chiến sĩ cảnh sát duy nhất của đội CSPCTPMT. Không có ai muốn về công tác tại đội này, kể cả nam chứ chưa đừng nói đến nữ. Thời gian đầu cũng có một nữ chiến sĩ về đội, rồi chỉ một thời gian ngắn lại xin chuyển sang đơn vị khác.

Chỉ trong năm 2011, mà đội ma túy của Hoàng Mai có tới 4 người xin chuyển công tác khác, trong đó có cả chỉ huy. Thế nên đội lúc nào cũng thiếu người. Có 18 CBCS phải căng sức ở một địa bàn rộng và phức tạp về ma túy với nhiều “bongke” khó nhổ. Ngoài nhiệm vụ quản lý địa bàn thì một năm đội phải bắt giữ từ 40 đến 45 vụ án theo chỉ tiêu của thành phố giao, một cán bộ phải thụ lý  từ 40 đến 60 vụ án từ cơ sở chuyển lên. Có những tuần cao điểm, đội bắt đến 7 vụ ma túy, thì sáu vụ đối tượng ở tỉnh ngoài đến địa bàn hoạt động. Bình thường anh em trong đội, trung bình cứ 2 ngày là thụ lý một vụ án, thậm chí có ngày một người “gánh” tới 2 vụ. Tôi nói với chị: phụ nữ mà cứ đêm hôm đi làm án, ăn chực nằm chờ rình bắt tội phạm, rồi lại “ôm” một đống hồ sơ vụ án thì thiệt thòi cho gia đình lắm. Thế sao chị không xin đi? Chị bảo: Mình gắn bó với công việc này nhiều năm rồi, cũng nhiều tâm huyết. Lãnh đạo quận cũng rất quan tâm, cũng có ý định cho mình chuyển công tác khác, cũng có ý định đề bạt lên cấp cao hơn, nhưng mình đã từ chối. Mới lại ai cũng xin đi, thì ai sẽ về đội. Thực tế anh em còn làm vất vả hơn mình nhiều, người ta còn làm được, sao mình lại không làm được.

Đột nhập Lóng Luông!

Nói đến Lóng Luông là người ta nghĩ ngay tới “siêu thị ma túy” với những ông trùm ma túy khét tiếng, sử dụng súng ống  không ghê tay, sẵn sàng vãi đạn chống trả lực lượng công an mỗi khi bị vây bắt. Trong một lần, đội cảnh sát ma túy chặt đứt một đường dây ma túy, đối tượng khai mua ma túy của Tráng A Da ở Lóng Luông – Mộc Châu. Mở rộng chuyên án, đội đã cử một tổ công tác về Lóng Luông tuy nhiên để tiếp cận đối tượng này là hết sức khó khăn. Nhà của Tráng A Da nằm ở ven rừng, hơn nữa là một đối tượng buôn bán ma túy, Tráng A Da rất cảnh giác, chỉ một sơ suất nhỏ, để bị lộ coi như phá hỏng cả chuyên án. Chỉ huy chuyên án, quyết định, gọi về đội tăng cường thêm một tổ công tác, trong đó có nữ chỉ huy Nguyễn Phương Hoa. Chị Hoa cho biết, với nhiệm vụ là chỉ huy chị thường không phải đi làm án, nhưng đối với những vụ án đặc biệt, hoặc những vụ án có đối tượng là nữ thì bất kể đêm hôm chị đều tham gia cùng anh em. Mới lại bản thân chị cũng máu nghề nên nhiều vụ án chị không vắng mặt.

Lăn lộn với lực lượng đấu tranh chống ma túy nhiều năm, hơn ai hết, chị Hoa hiểu được nhiệm vụ mà mình đang phải đối mặt. CAH cho biết đối tượng có súng kíp, nhà nuôi rất nhiều chó, nếu có “động” là dễ dàng tẩu thoát vào trong núi. Nếu anh em nam giới vào thì đối tượng dễ nghi ngờ. Chị cùng với một đồng chí công an xã đến nhà đối tượng trong vai là cán bộ huyện kiểm tra công tác bầu cử. Đến nơi thì được biết đối tượng cùng với con trai đi làm nương. Lại mò ra tận nương đường rừng 3 cây số thì cũng vừa hay Tráng A Da đi ra quốc lộ mua thức ăn và rượu để về uống. Từ chỗ làm nương đi ra quốc lộ chỉ có một con đường độc đạo.
Đây là cơ hội rất tốt để tổ công tác đón lõng ở ngoài có thể chặn bắt đối tượng, nếu không nhanh thì sẽ “xổng”. Quyết định trong giây lát, chị đã điện báo cho đồng đội phục kích chờ khi nào chị ra hiệu lệnh thì tiến hành bắt. Chị cũng nhanh chóng quay ra ngoài, thì cách đường Quốc lộ khoảng hơn 100 mét thì thấy có 1 xe máy đi về, lúc đó đồng chí công an xã xác định đúng đối tượng. Tại địa điểm đó cũng đã được bố trí một hòm phiếu và có một số chiến sĩ trinh sát đóng giả canh hòm phiếu. Nhận tín hiệu của chị, tổ công tác đã bắt gọn đối tượng đưa về công an huyện. Bị đón lõng bất ngờ, đối tượng không kịp chống trả. Vụ án kết thúc gọn gàng. Sau này, chị vẫn bị trêu đùa là nữ thám tử Hà Nội về Lóng Luông bắt cọp.

Giống tổng đài 1080 

Đã có nhiều năm làm công tác điều tra, chị Nguyễn Phương Hoa được coi là người có chuyên môn “cứng” trong công tác tố tụng. Chị luôn được lãnh đạo quận tín nhiệm giao cho mảng tham mưu về công tác chấp hành pháp luật,  thẩm định các hồ sơ bắt giữ. Đối với nghiệp vụ công tác công an thì hồ sơ được coi là xương sống của cả vụ án. Mỗi năm chị được giao phải hoàn thành tới 300 hồ sơ vụ án để truy tố trước pháp luật. Đặc biệt là công tác tham mưu cho cấp cơ sở để họ làm hồ sơ chặt chẽ, không để oan sai. Thế nên nhiều lúc ở nhà mà điện thoại của chị cứ “nóng” máy liên tục. Là chỉ huy của một đội, anh em xin ý kiến chỉ đạo, rồi cấp cơ sở ở phường xã đề nghị tư vấn về hồ sơ vụ án… Nhiều khi nói điện thoại đến vài chục phút. Chồng chị cũng là công an, anh vẫn đùa với chị: “Cậu cứ như tổng đài 1080”.

Không những là chỉ huy đội, chị Nguyễn Phương Hoa còn được bầu là Chủ tịch Hội phụ nữ Công an quận Hoàng Mai và là thành viên BCH hội phụ nữ của quận Hoàng Mai. Chị cũng là một tuyên truyền viên trong công tác phòng chống ma túy và Ban hòa giải của Hội phụ nữ. Cán bộ hội cấp cơ sở cũng thường xuyên gọi điện nhờ chị tư vấn pháp luật. Có khi thì mâu thuẫn hàng xóm đánh nhau, tranh giành đất cát. Có khi là người dân bức xúc tố cáo ổ nhóm sử dụng ma túy, có khi thì vợ chồng cãi vã nhau, ly hôn chia tài sản… Thôi thì đủ mọi thứ chuyện con cá lá rau trong cuộc sống chuyện gì người ta cũng có thể hỏi chị. Nhiều lúc buông điện thoại xuống, chị nghĩ: “Ừ hóa ra, chồng nói cũng phải, mình cũng giống tổng đài 1080 thật”.

Khi cảnh sát là phụ nữ

Là một cảnh sát, người đại diện thực thi pháp luật phòng chống tội phạm, nhưng cũng là một phụ nữ, nên chị Nguyễn Phương Hoa không tránh khỏi những rung động bản năng của một người vợ, một người mẹ. Chị kể có lần đi bắt đối tượng Nguyễn Thị  Thủy ở phường Yên Sở. Đối tượng này rất lỳ lợm không chịu nhận tội và nại lý do đang nuôi con nhỏ để không chấp hành pháp luật. Khi bắt Thủy trong nhà chỉ có 2 mẹ con. Bố đứa trẻ cũng đã bị đi tù. Nhìn đứa bé đứng nép vào cửa với ánh mắt sợ sệt, có thể các đồng đội khác không nhận ra điều đó, nhưng chị đã bắt gặp ánh mắt của đứa trẻ vô tội ấy. Bất giác chị nghĩ đến con mình, chị thấy đứa trẻ đáng thương vô cùng. Nắm bắt tâm lý của đối tượng, chị Hoa đã động viên Thủy chấp hành pháp luật và  tìm gọi người nhà giao cháu bé cho gia đình chăm sóc. Chứng kiến hành động của chị, Thủy đã khai nhận tội và sau này chị còn vào trại giam để động viên Thủy. Từ đó,  Thủy đã hiểu được rằng việc khai nhận trung thực là cách duy nhất để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật và sớm được trở về với con mình. 

Hay như đối tượng có biệt danh Tôn Ba ta bởi sự lanh lẹ và chuyên đi giày bata nhảy lên các thùng xe để trộm cắp. Khi đối tượng bị bắt, vợ đã bế một đứa con nhỏ mới 8 tháng tuổi lên cơ quan công an. Nhà nghèo không có tiền, chồng lại bị bắt. Nhìn vợ lếch thếch bế đứa con nheo nhóc  nước mắt ngắn nước mắt dài, chị lại bỏ tiền túi giúi cho vợ đối tượng nói là để mua quà cho con,  tiếp tế cho chồng. Chị bảo chả hiểu sao lúc đó mình lại làm thế. Mặc dù lúc đó hết sức khó khăn. Bản thân chị sau khi đi làm về, lại đi làm thêm giám sát hội đồng xổ số để kiếm thêm tiền nuôi con. Hơn chục năm sau khi đi tù về, Tôn ba ta đã tìm gặp chị và nói:  Bây giờ khi đã trở thành người tử tế, làm ăn lương thiện, em đã mở một xưởng quay thịt thuê… thì mới dám đến gặp chị để cảm ơn. Không phải vì mấy chục đồng chị cho đủ để nuôi sống con em trong lúc em ở bước đường cùng mà chính những đồng tiền ấy đã khiến cho em phải suy nghĩ. 

Phụ nữ làm cảnh sát cũng có những yếu thế là hay động lòng trước các đối tượng nhưng cũng có khi lại là một lợi thế bởi trắc ẩn đó đôi khi lại làm thay đổi được suy nghĩ của đối tượng. Song chị bảo không phải lúc nào cũng mềm lòng được, người phụ nữ làm cảnh sát cũng luôn phải có bản lĩnh trước sự cám dỗ của tội phạm. Cũng có lần đội ma túy lập chuyên án ma túy bắt đối tượng ở làng Kim Hoa, Phương Liên - một “boongke” ma túy ở địa bàn. Khi chị khám người đối tượng, Thủy có đeo chiếc dây chuyền rất to và đã thương lượng: “Cùng là chị em phụ nữ, chị bỏ qua cho em vụ này, em gửi chị chiếc dây chuyền này”. Lúc đó chỉ có chị Hoa và đối tượng. Chị chỉ cần bỏ tép heroin vào toilet thì nghiễm nhiên chiếc dây chuyền kia sẽ được đeo lên cổ chị. Nhưng nghĩ đến đồng đội của mình, chị không thể làm thế. Là một chỉ huy, chị cần phải tạo niềm tin cho anh em làm  việc. Chỉ cần biết trong người đối tượng có ma túy, niềm tin khám xét sẽ rất lớn. Chính vì vậy chị kiên quyết từ chối và yêu cầu đồng đội tiến hành khám xét nhà đối tượng, sau đó thu giữ được số lượng lớn ma túy gần 100 gói ma túy được giấu trong xô đất ngoài ban công. Đối tượng bị bắt nhưng vẫn tâm phục khẩu phục.

Đã mấy chục năm trong nghề, rồi 9 năm lăn lộn với đội CSPCTP ma túy, người chỉ huy cương nghị này chắc còn nhiều câu chuyện, còn nhiều điều tâm sự. Song  có điều duy nhất chị muốn nói với các chiến sĩ trẻ của mình là đã xác định chiến đấu trên mặt trận phòng chống ma túy thì phải biết hy sinh. Chị cũng mong mọi người thay đổi quan niệm, đừng thấy lực lượng phòng chống ma túy vất vả mà ngại. Hãy dấn thân vào lực lượng này thì sẽ thấy nhân dân đang rất cần chúng ta.
 
Theo Đinh Hương Bình
An ninh Thủ đô