Không cho phép giảng viên luật hành nghề luật sư
(Dân trí) - Thông qua Luật Luật sư ngày 20/11, Quốc hội thống nhất quy định không cho phép giảng viên luật hành nghề luật sư. Lý do cơ bản nhất đưa ra là có bổ sung lực lượng này cũng không khắc phục được tình trạng hạn chế, thiếu luật sư hiện nay.
Ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo luật, theo đó không cho phép quy định giảng viên luật được hành nghề luật sư. Ý kiến thứ hai “nới” quy định theo hướng cho phép giảng viên luật tham gia công việc của luật sư trong lĩnh vực làm tư vấn.
Chốt lại quan điểm, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc cho phép giảng viên được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy và khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư trong khi số giảng viên ĐH chuyên ngành luật so với yêu cầu phát triển còn rất thiếu.
Hơn nữa, việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm hành nghề luật sư cũng không khắc phục được những hạn chế căn bản của nghề luật sư những năm qua. Còn nếu chỉ cho phép đối tượng nói trên hành nghề luật sư ở lĩnh vực tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng.
Chủ nhiệm UB Tư pháp phân tích, điều này không phù hợp với quy định hiện hành và cũng không giải quyết được vấn đề bức xúc nhất hiện nay là rất thiếu luật sư tham gia tố tụng, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng hình sự. Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật của viên chức giảng dạy pháp luật đã được pháp luật hiện hành điều chỉnh, nên không cần thiết bổ sung trong luật này.
Do vậy, Thường vụ đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như trong dự thảo, nghĩa là không cho phép giảng viên hành nghề luật sư.
Kết quả biểu quyết về nội dung này, có trên 62% đại biểu tán thành. Chốt lại, Luật Luật sư sửa đổi được thông qua với trên 90% đại biểu đồng ý. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Chưa có nhà xuất bản tư nhân
Luật Xuất bản (sửa đổi) được thông qua quy định cơ quan, tổ chức được thành lập NXB gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật. Bên cạnh đó, NXB được tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản, Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Nhưng do hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cho nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa – tư tưởng của xuất bản phẩm, Luật chưa cho phép tư nhân thành lập NXB.
Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua Luật Dự trữ quốc gia quy định nhóm hàng dự trự gồm: Lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; vật tư thông dụng động viên công nghiệp; muối trắng; nhiên liệu; vật liệu nổ công nghiệp; hạt giống cây trồng; thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản; vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.
P.Thảo