1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

“Không chấp nhận Bộ ngoại giao có quỹ tới 16 triệu USD”

“Tôi không tán thành giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên. Tôi nghi ngờ lắm, không biết làm sao chỉ lấy lương cán bộ ngành có thể góp được <a href="http://www9.dantri.com.vn/Sukien/2006/6/125031.vip">16 triệu USD cho quỹ này</a>. Nếu bộ nào cũng có quỹ như vậy thì “nát” hết ngân sách”, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội Dương Thu Hương thẳng thắn.

Thưa bà, quy định hiện hành có cho phép một số bộ do điều kiện đặc thù được lập quỹ riêng để phục vụ công tác không?

 

Luật Ngân sách không cho phép có quỹ riêng. Tôi không đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên về quỹ của bộ mình. Quỹ này thành lập từ những năm 1980 và có thể chỉ thích hợp với thời điểm đó. Tuy nhiên, đã thành lập quỹ thì phải báo cáo. Tôi được nghe thông tin rằng, thời điểm đó Bộ Tài chính không hề biết sự tồn tại của quỹ này.

 

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói rằng, việc quản lý quỹ đó rất chặt chẽ và kiểm toán nhà nước cũng chưa phát hiện tham ô, tham nhũng?

 

Đó là Bộ trưởng nói vậy. Chúng ta phải xem Bộ sử dụng quỹ đó như thế nào. Mua trang thiết bị gì cho cơ quan ngoại giao ở nước ngoài hay là dùng để cải thiện đời sống cán bộ. Nếu bộ nào cũng có quỹ riêng thì “nát” hết ngân sách quốc gia. Khi nghe tin này, tôi và nhiều đồng chí trong uỷ ban Kinh tế Ngân sách ngạc nhiên lắm, vì 16 triệu USD là số tiền quá lớn.

 

Có lần tôi sang nước ngoài, một đại sứ nói, chỉ có 2-3 triệu USD mua một ngôi nhà làm tòa đại sứ. Vậy 16 triệu USD sẽ mua được bao nhiêu ngôi nhà như thế. Một bộ không thể để một quỹ to như vậy. Tất cả các nguồn thu như cấp vi sa, thu phí visa phải được thể hiện trong thu chi ngân sách, sao để riêng được. Tôi không tán thành.

 

Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên thì quỹ này đã được sự đồng ý của các lãnh đạo Chính phủ vào thời điểm 1988-1989?

 

Những năm 1980 có sự xáo trộn tại một số nước ví dụ như ở Đông Âu nên điều kiện lương của cán bộ ngoại giao có khó khăn. Nhưng hiện nay đã khác, lương ngành ngoại giao, nhà nước đã tính đến yếu tố điều kiện công tác, nếu cán bộ công tác ở những nước khó khăn thì có mức lương cao hơn. Tôi nghĩ, Nhà nước đã lo khá đầy đủ. Không thể lý giải lập quỹ để “điều chuyển” lương cán bộ từ địa bàn nọ đến địa bàn kia.

 

Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế ngân sách Quốc hội Tào Hữu Phùng, người vừa có chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên về quỹ này cho rằng, việc trích lại số thu lệ phí visa ở nước ngoài lập quỹ riêng không cho Bộ Tài chính biết là sai, che giấu nhà nước. Số tiền trích lại là tài sản nhà nước. Điều đó cho thấy Bộ thiếu tinh thần trách nhiệm đối với tài sản nhà nước.

 

Theo quy định hiện hành, số tiền thu sau khi được chi mà thừa phải nộp lại nhà nước. “Nếu cần chi, Bộ ngoại giao phải có đề nghị. Việc lập quỹ rồi gửi ở nước ngoài càng thể hiện việc làm trái pháp luật”, ông Phùng khẳng định.

Như tôi đã nói ở trên, việc lập quỹ có thể phù hợp với hoàn cảnh lúc đó và khi đó cũng chưa có Luật Ngân sách. Nhưng bây giờ, điều kiện cũng đã khác, Luật Ngân sách hiện hành cũng không cho phép các bộ lập quỹ. Tôi cũng nói với đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Ngân sách là cần phải xem lại chi tiêu của quỹ này.

 

Thưa bà, theo Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, quỹ này xuất phát từ việc cán bộ ngoại giao đi nước ngoài trích 1-20% lương. Như vậy, đây là khoản quỹ do cán bộ đóng góp để giúp đỡ người trong ngành?

 

Cách trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên về chuyện lập quỹ nghe có vẻ như không có vấn đề gì. Nhưng tôi chắc là các nhà tài chính sẽ thấy có vấn đề vì khoản 16 triệu USD quá lớn, không thể một bộ có số tiền lớn như vậy.

 

Thu nhập của cán bộ ngoại giao ở nước ngoài cao so với trong nước. Tuy nhiên, theo những gì tôi được biết, thu nhập của họ vẫn thấp so với mức sinh hoạt tại nước sở tại. Tôi nghi ngờ lắm, không biết làm sao chỉ lấy lương cán bộ ngành ngoại giao có thể góp được 16 triệu USD. Lương ngoại giao làm sao cao thế? Cho dù có góp từ những năm 1988 đến giờ cũng không thể có được, nó phải từ nguồn nào nữa chứ?

 

Trong những lần tôi đi công tác nước ngoài, các đại sứ cho biết, tất cả khoản chi nhà nước lo hết từ việc mua nhà, trang thiết bị bên trong. Nếu chỉ là tiền túi của cán bộ công nhân viên thành lập quỹ đó thì không ai có thể can thiệp. Còn nếu trong quỹ này có nguồn thu dịch vụ thì đó là nguồn thu của ngân sách, anh phải nộp ngân sách.

 

Từng nhiều năm công tác tại Uỷ ban Kinh tế ngân sách, nắm vững các quy định pháp luật, theo bà, hướng xử lý khoản quỹ 16 triệu USD sẽ như thế nào?

 

Bây giờ phải xem nguồn hình thành khoản 16 triệu USD này, nếu toàn bộ là tiền đóng góp của cán bộ ngoại giao thì thôi vì đó là tiền cá nhân. Còn nếu trong 16 triệu USD này có những khoản thu từ phí dịch vụ như visa chẳng hạn thì phải nộp lại cho ngân sách. Theo Luật ngân sách tất cả nguồn thu phải thông qua thu chi ngân sách nhà nước, còn bộ được để lại bao nhiêu phải trên cân đối chung.

 

Theo tôi nên nộp hết vào ngân sách còn ngành ngoại giao có những khoản chi gì đặc thù thì ngân sách sẽ chi, như vậy sẽ công khai, đàng hoàng, chứ quỹ riêng thế này chỉ có Bộ Ngoại giao. Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Ngân sách Tào Hữu Phùng rất bức xúc và đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên về vấn đề này.

 

Chiều 23/6, PV đề nghị được làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, tuy nhiên thư ký của ông cho biết Bộ trưởng bận và uỷ quyền trả lời cho ông Lê Dũng, Vụ trưởng vụ Thông tin báo chí.

 

Tối 23/6, trả lời câu hỏi của PV về nguồn thu của quỹ này, ông Lê Dũng cho hay, quỹ có 2 nguồn: một trích từ lương của của các cán bộ ngoại giao công tác ở nước ngoài và một trích từ 20% tổng số lệ phí visa thu ở ngoài nước. “Bản thân tôi trong thời gian công tác ở nước ngoài cũng trích một phần lương đóng góp nên tôi có biết sự tồn tại của quỹ này”. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết thông tin cụ thể về phương thức sử dụng nguồn tiền từ quỹ. “Hiện tôi được biết, các cơ quan chức năng đang làm việc với Bộ Ngoại giao về vấn đề này”, ông Dũng cho hay.

 

Đề nghị bình luận về thông tin, tổng số tiền quỹ gần 16 triệu USD (tính đến tháng 12/2004) “được yêu cầu giữ kín”, bộ đã điều chuyển về quỹ của đại sứ quán VN ở một số nước có độ an toàn, lãi suất cao...ông Dũng phân trần, ông không biết nên không thể đưa ra bất cứ lời bình luận nào.

 

Theo P.Hiếu - V.Anh - P.Lan  

Vnexpress