1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khốn đốn vì loài bọ đen “diệt kiểu gì cũng không chết”

(Dân trí) - “Năm nào cũng thế, vào mùa mưa là bọ đen bay về đậu kín tường, bám từng tầng lên vật dụng, quần áo; phả mùi hôi như bọ xít làm cuộc sống người dân bị đảo lộn” - một người dân phản ánh về loài bọ đen đang khiến người dân nơi đây khốn đốn.

Đến hẹn lại lên

 

Theo phản ánh của người dân tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, gần chục năm nay, cứ đến mùa mưa là bọ đậu đen bay về làm tổ trong nhà. Chúng không cắn người, không gây ngứa, không hút máu nhưng sự có mặt của những vị khách không mời này đã khiến cuộc sống người dân nơi đây bị xáo trộn.
 
Bọ đen ở Đồng Nai


Bọ đen ở Đồng Nai
Bọ đen ở Đồng Nai

 

Vừa quét dọn nhà cửa, chị Vương Thùy Dung (36 tuổi) ngụ ấp 2 xã An Viễn cho biết: “Bọ đậu đen bay vào nhà làm tổ rất nhiều. Chúng ở trên mái ngói, trong ngách nhà… mỗi khi trời đổ mưa thì chúng lại ùn ùn kéo ra bò kín tường nhà trông rất sợ”. Chị Dung cho biết thêm, do bọ đậu đen về làm tổ nhiều, chen nhau chỗ ở nên rụng xuống nền nhà đen từng lớp. Những lần như vậy, chị lại phải quét dọn nhà cửa, gom bọ đậu đen vào bao tải mang đi thiêu hủy.

 

Cách đó không xa là gia đình ông Nguyễn Thanh Nhàn (59 tuổi) cũng bị bọ đậu đen bay về tấn công. Ông Nhàn cho biết: “Vào khoảng 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng là giờ bọ đậu đen hoạt động. Đây là thời điểm chúng bay từ những khu rừng cao su vào khu dân cư để trú ngụ. Chúng bay từng đàn như ong. Dù tắt điện, đóng kín cửa đến mấy chúng cũng chui được vào nhà. Nếu các ô cửa bị bịt kín thì chúng chui qua mái ngói, những kẽ hở, kẽ nứt… để vào trong. Chúng tôi dùng nhiều cách ngăn cản nhưng không thể nào ngăn nổi”.

 

Ông này cho biết thêm, từ đầu tháng 5 đến nay, gia đình ông đã quét dọn, thu gom được gần 200kg bọ đậu đen đi thiêu hủy. Những nơi như chuồng gà, nhà kho chỉ cần 2 đến 3 ngày không thu dọn là bọ đậu đen bám thành từng mảng dày lên đến 10cm.

 

Theo phản ánh của một số người dân nơi đây, bọ đậu đen không phải là loài sống kí sinh trên cơ thể người nên chúng không hút máu, không gây ngứa. Tuy nhiên, loài côn trùng này lại tiết ra mùi hôi giống mùi của bọ xít.

 

Lúng túng tìm cách tiêu diệt

 

Để chống lại sự thâm nhập của loài bọ này, người dân tại đây chỉ biết phun thuốc, hun khói hoặc phải lật hết đồ đạc để quét dọn. Nhiều hộ dân vì không chịu được sự tấn công của loài bọ này đã quyết định đóng cửa đi lánh nạn ở nơi khác.
 
Ở Kon Tum cũng nhiều không kém


Ở Kon Tum cũng nhiều không kém

Ở Kon Tum cũng nhiều không kém

 

Không chịu được sự thâm nhập của bọ đậu đen, hàng ngày anh Nông Văn Đại (37 tuổi) pha thuốc trừ sâu vào bình xịt để phun lên mái nhà và các ngõ ngách mà bọ đậu đen trú ngụ. Anh này cho biết, phun thuốc trừ sâu trong nhà nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu không phun thì bọ đậu đen về làm tổ ngày càng nhiều.

 

“Từ đầu mùa mưa đến nay, tôi đã phun thuốc và hốt gần 5 bao tải (loại 50kg) bọ đậu đen đi vứt nhưng ở đâu đó chúng vẫn ùa về làm tổ. Phun thuốc diệt trừ hôm nay thì ngày mai chúng lại về bám đặc đen trên nhà. Bây giờ ăn uống, ngủ nghỉ của gia đình đều phải chuyển ra hành lang hoặc vườn điều sau nhà. Nhiều hôm nằm ngủ, tôi mắc mùng và dằn mép rất kĩ nhưng chúng vẫn chui được vào, bám lên người rất khó chịu” - anh Đại mệt mỏi nói.

 

Mỗi hộ dân có cách diệt bọ riêng. Nhà thì dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt rệp, diệt ruồi… để phun. Nhiều hộ dân không muốn xịt thuốc độc hại vào nhà thì chọn phương án đốt lửa, hun khói. Chị Dung cho hay, mỗi khi hun khói bọ đậu đen bay ra hết nhưng hệ tắt khói chúng lại ùn ùn bay về. Nếu diệt được lớp này thì lại xuất hiện lớp khác.

 

Do loài bọ này xuất hiện nhiều nên người dân chỉ còn cách học sống chung với chúng.

 

Ông Nguyễn Phùng Tông, Chủ tịch UBND xã An Viễn xác nhận, bọ đậu đen xuất hiện tại xã này từ hàng chục năm nay. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào cho thấy loài côn trùng này mang mầm bệnh gây hại cho con người nhưng sự xuất hiện với số lượng lớn của bọ đậu đen đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Loài bọ này tiết ra chất nhờn, mùi hôi nồng như bọ xít gây cảm giác khó chịu cho người tiếp xúc.

 

“Chính quyền địa phương đang kết hợp cùng Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, Trạm y tế xã An Viễn thành lập đoàn giám sát, xem xét tình hình thực tế ở vùng dân cư có bọ đậu đen để tìm biện pháp xử lý. Trước mắt, chúng tôi sẽ cấp thuốc tẩm mùng mền cho người dân và tiến hành phun hóa chất để diệt bọ đậu đen” - Ông Nguyễn Phùng Tông cho biết.

 

Phun thuốc sâu không chết

 

Cùng thời điểm này, ở làng Kép Ram (xã Hòa Bình) và một số làng khác thuộc xã Ia Chim (TP Kon Tum - Kon Tum), người dân cũng đang khốn đốn “chiến đấu” với bọ đen.

 

Người dân cho biết những con bọ này đã xuất hiện đều đặn 4 năm trở lại đây, vào mùa mưa, họ không biết đó là bọ gì, chỉ biết là chúng thường đi theo đàn, nhỏ như con ruồi, đầu có hai sừng, toàn thân màu đen, cánh rất cứng. Ban ngày chúng sống tập trung nhiều ở các khe hở, kẽ tường, mái ngói, đêm đến theo ánh điện bay khắp nhà.

 

Những con bọ này gây nhiều phiền toái cho người dân, chúng bò lên người, chăn màn, quần áo, thức ăn. Người dân cho biết nếu bị loài bọ này căn thì da nổi mẩn đỏ rất ngứa ngáy khó chịu, sau đó da chuyển sang thâm vài ngày sau mới hết. Loài này cũng có mùi hôi rất khó chịu.

 

Ông A Phương (56 tuổi) - nguyên trưởng thôn Kép Ram - cho biết: “Cứ sau một cơn mưa là loại bọ này lại xuất hiện bò kín đen tường nhà, đến ăn cơm mà nó cũng phải mắc màn vì sợ nó rụng trúng”.

 

Anh A Giáo (34 tuổi), bố của 3 đứa nhỏ, cho biết: “Đến phun thuốc sâu mà bọ không chết, cứ bò khắp nhà nên tôi phải mang con đi gửi nhà người khác vì sợ nó bò vào tai, mũi không lấy ra được”.

 

Phun thuốc sâu không diệt được bọ, người dân chỉ còn cách lấy chổi quét sạch trên tường, mái nhà sau đó mang đi đốt. Nhưng biện pháp cũng chỉ được một ngày vì sau một đêm chúng lại kéo về đậu kín tường.

 

Bọ đậu đen (hay Mọt đậu đen) là một loài côn trùng cánh cứng, di chuyển nhanh, có hình dáng giống như hạt đậu đen. Tên khoa học của bọ đậu đen là Mesomorphus villiger, thuộc bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, loài bọ này thường xuất hiện ở một số tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương vào đầu mùa mưa.

 

Bọ đậu đen sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, rừng, vườn cây ăn trái nhưng không gây hại cho thực vật. Chúng có tính hướng quang nên thường bay vào nhà với mật độ cao, lại có mùi hôi nên gây khó chịu cho con người.

 

Trong khi đó, về loài bọ xuất hiện ở Kon Tum, ông Võ Thành - Giám đốc Trung tâm y tế TP Kon Tum - cho biết, còn được gọi là bọ Thái Lan.

 

Ông Bạc Trung Liêu – PGĐ trung tâm phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng tỉnh Kon Tum - cho biết: Cách đây mấy năm đã phát hiện loại bọ này xuất hiện và gửi mẫu tới viện ký sinh trùng sốt rét Quy Nhơn.

 

 

Minh Hậu - Hoàng Thanh