Khói rơm rạ mù mịt bủa vây quốc lộ, cây xăng
(Dân trí) - Sau mùa gặt, nông dân Hà Tĩnh giữ thói quen đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Việc này gây ra khói bụi mù mịt, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ gần đó.
Những ngày này, vụ lúa xuân hè cơ bản đã thu hoạch xong trên các cánh đồng tại huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Sau khi gặt lúa, người dân thường gom rơm rạ ngay tại đồng ruộng rồi châm lửa đốt.
Một số nông dân chở rơm về nhà làm thức ăn cho gia súc hoặc ủ phân, song không ít người chọn cách đốt lấy mùn.
Theo nhiều nông dân, đốt rơm rạ đã trở thành thói quen lâu đời. Họ cho rằng đây là cách nhanh nhất thu dọn phụ phẩm nông nghiệp để kịp làm đất cho vụ sau.
Một số vùng lại cho rằng việc đốt rơm rạ sẽ giúp có lợi cho cây trồng, đất tươi tốt.
Hình ảnh ghi nhận tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nông dân đốt rơm rạ tạo thành những cột khói cao hàng chục mét, theo gió cuốn bay vào cả khu dân cư.
Nhiều cánh đồng ở huyện Đức Thọ nằm hai bên quốc lộ 8A, dưới đường điện cao thế hoặc gần cây xăng. Đây là những vị trí không đảm bảo an toàn nhưng người dân vẫn thực hiện đốt rơm rạ.
Khói rơm rạ mù mịt, bủa vây quốc lộ 8A, đoạn qua huyện Đức Thọ. Khói mù làm giảm tầm nhìn nhiều tài xế khi di chuyển qua khu vực này phải giảm tốc độ.
Khói rơm rạ cũng khiến người đi xe máy, xe đạp cảm thấy cay mắt, khó thở.
"Cứ mỗi buổi chiều vào mùa này, việc lưu thông qua quốc lộ 1, quốc lộ 8A gặp nhiều khó khăn vì tầm nhìn hạn chế. Nếu người lái xe không chú ý sẽ rất dễ gặp tai nạn", tài xế Trần Quang Lộc (35 tuổi, trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng của nông dân không chỉ gây mất chất dinh dưỡng có trong rơm rạ mà còn ảnh hưởng đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường.
Không những vậy, khói rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…