Khởi động hành trình xuyên Việt vận động 12.000 đơn vị máu
(Dân trí) - Sáng 5/7, 100 tình nguyện viên của chương trình Hành trình đỏ được tuyển từ các địa phương trên cả nước chia thành 2 cánh quân tiến về 2 điểm đầu của tổ quốc là Cà Mau và Điện Biên, bắt đầu hành trình xuyên Việt để vận động 12.000 đơn vị máu cứu người.
Ước mơ 1 triệu đơn vị máu
Hành trình đỏ là hành trình vận động hiến máu xuyên Việt được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, hành trình sẽ diễn ra trong 22 ngày (7/7 – 28/7), đi qua 35 tỉnh thành.
Sẽ có 100 bạn trẻ tình nguyện đi suốt hành trình qua 35 tỉnh thành này. Trên hành trình đó, họ sẽ dừng lại tại 15 tỉnh thành để tuyên truyền, vận động và tổ chức các ngày hội hiến máu tình nguyện. Tại các điểm dừng chân này, 5.000 tình nguyện viên và hơn 100 văn nghệ sĩ sẽ tham gia hỗ trợ tổ chức các chương trình hiến máu, hơn 200 cơ quan – đơn vị đã đăng ký sẽ tham gia chương trình với số máu ước tính là 12.000 đơn vị.
Theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, Trưởng ban truyền thông miền Nam của Hành trình đỏ, 100 tình nguyện viên sẽ chia thành 2 đoàn tại TPHCM, xuất phát về 2 điểm tập kết ở 2 đầu tổ quốc. 80 người sẽ về đến Cà Mau trong ngày 5/7 để chuẩn bị cho đêm diễn văn nghệ chào mừng nhân dân đất Mũi trong đêm 6/7. Đến sáng 7/7, Hành trình đỏ sẽ làm lễ xuất quân và khởi động chương trình bằng ngày hội hiến máu “Giọt hồng đất Mũi” tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau.
Sau đó, đoàn sẽ bắt đầu di chuyển về thành phố Cần Thơ để tổ chức ngày hội hiến máu tại Nhà thể thao đa năng của thành phố vào ngày 8/7. Đến ngày 10/7, đoàn sẽ về TPHCM để tổ chức đêm văn nghệ chào mừng vào tối cùng ngày, lễ hội hiến máu sẽ tổ chức với quy mô lớn tại khu du lịch Đầm Sen vào sáng 11/7.
Tiếp đó, đoàn Cà Mau sẽ bắt đầu hành trình đi qua hàng loạt tỉnh thành ở Tây Nguyên và miền Trung như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Nam… Còn đoàn Điện Biên sẽ xuất phát từ Điện Biên và đi qua các tỉnh Tây Bắc rồi tiến về thủ đô Hà Nội. Cả hai đoàn Hành trình đỏ sẽ hội quân tại Hà Nội vào đúng ngày 27/7, ngày Thương binh – liệt sĩ để tổ chức ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân”.
Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, Trưởng ban tổ chức Hành trình đỏ thì mục tiêu lớn nhất của chương trình là khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, sống vì cộng đồng của mọi người dân Việt Nam. Ông hy vọng hành trình sẽ thu được một lượng máu hiến lớn hơn dự tính để góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp hè, đồng thời sẽ thúc đẩy tinh thần hiến máu nhân đạo để sớm hoàn thành ước mơ đạt đơn vị máu thứ 1 triệu trong năm nay.
“Hẹn gặp đồng chí ở Thủ đô”
Bắt đầu từ đầu năm 2013, qua nhiều vòng thi, ban tổ chức chương trình Hành trình đỏ đã tuyển chọn ra 100 gương mặt bạn trẻ 9X đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham gia chương trình Hành trình đỏ. Các bạn trẻ này không chỉ là những người trẻ yêu thích hoạt động tình nguyện, có kỹ năng và kinh nghiệm tham gia phong trào thiện nguyện mà còn phải là những người nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện.
Huyền Trang, sinh viên năm thứ 2 khoa Kinh tế đối ngoại (Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho biết: “Cũng như bất cứ bạn trẻ nào tham gia ứng tuyển Hành trình đỏ, mình luôn mong muốn được đồng hành cùng mọi người để lan tỏa ý tưởng nhân văn này đến khắp nơi”.
Còn Tôn Nữ Cẩm Tú, một cô gái Huế có ngoại hình nhỏ bé nhưng có thâm niên nhiều năm hiến máu tình nguyện tự tin chia sẻ: “Kiến thức em không quá nhiều về hoạt động hiến máu nhân đạo, nhưng ít nhất khi gặp một người nào đó, em có thể khiến họ suy nghĩ có nên hiến máu hay không”.
Nhiệm vụ của 100 tình nguyện viên này hết sức quan trọng. Họ sẽ là những người đi suốt chương trình, qua 35 tỉnh thành và dừng lại tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, lễ hội và phục vụ công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương. Ngoài ra, mỗi một tình nguyện viên đều là 1 đại sứ tuyên truyền cho ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu tình nguyện đến tất cả người dân đến tham quan các chương trình do Hành trình đỏ tổ chức trong chuyến xuyên Việt đặc biệt này.
Ngày 5/7, 100 thành viên đã chia thành 2 nhóm, 20 người lên Điện Biên, 80 người về Cà Mau cho kịp tổ chức xuất quân và khởi động chương trình vào ngày 7/7 tại Cà Mau. Sau 1 tuần ăn ở, tập huấn cùng nhau, các tình nguyện viên đều thân thiết như anh chị em trong nhà. Ngày chia tay, tình nguyện viên về Cà Mau bịn rịn chia tay cô bạn về Điện Biên với lời gửi gắm: “Hẹn gặp đồng chí ở Thủ đô!”.
Tùng Nguyên