Các dự án của Công ty Cổ phần Bất động sản Sông Đà:
Khởi công rồi "đắp chiếu", chờ... vay vốn
Cho đến tháng 2/2005, Tôn Anh Dũng - một mắt xích quan trọng của vụ PMU18 - vẫn là Phó Giám đốc của Công ty cổ phần bất động sản Sông Đà. Công ty này đã từng được tỉnh Thừa Thiên-Huế tin tưởng tạm giao đất để nghiên cứu triển khai hàng loạt các dự án xây dựng khách sạn, siêu thị, khu dân cư, sân golf...
Nhưng sự kỳ vọng của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhanh chóng chuyển thành thất vọng.
"Nghiên cứu rầm rộ, triển khai khiêm tốn"
Sau Công ty du lịch Hương Giang, Công ty cổ phần bất động sản Sông Đà là đơn vị có nhiều dự án về xây dựng hạ tầng nhất ở Thừa Thiên-Huế, trong đó có nhiều dự án nằm ở những vị trí đắc địa của thành phố.
Có thể điểm tên các dự án mà đơn vị này đã và đang được cấp, giao đất để "nghiên cứu": Khu dân cư Kiểm Huệ (tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng); khu khách sạn 5 sao (tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỉ đồng); khu Trung tâm hội nghị quốc tế, siêu thị và cao ốc văn phòng (tổng vốn đầu tư khoảng 99 tỉ đồng); khu khách sạn 5 sao ở số 50 A Hùng Vương (tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng); khu sân golf ở xã Thuỷ Xuân, khu đô thị mới ở xã Thuỷ An, khu dân cư ở hai bên đường Tự Đức - Thuỷ Dương (thành phố Huế); khu nhà nghỉ ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc...
Theo ông Lê Văn Chuyên - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Sông Đà - thì "Trong số những dự án vừa kể, đến thời điểm này, chính thức chỉ còn có 3 dự án được triển khai. Đó là: Khu dân cư Kiểm Huệ, khách sạn 5 sao nối liền với khách sạn Huế Heritage và khu Trung tâm hội nghị quốc tế, siêu thị và cao ốc văn phòng.
Lý giải về vấn đề "nghiên cứu rầm rộ, triển khai khiêm tốn" này, ông Chuyên nói: "Làm dự án cũng như việc đi mua nhà, hỏi vợ. Chúng tôi nghiên cứu nhiều dự án, nhưng chỉ chọn 1-2 dự án để triển khai cũng là chuyện bình thường".
Còn đất đâu mà trả!
| |
Sau gần 2 năm khởi công, khu cao ốc vẫn chưa thấy hình... cao ốc! |
Khu dân cư Kiểm Huệ mới chỉ hoàn thành việc san nền, làm đường giao thông (chủ đầu tư nói là đã hoàn thành hơn 70% khối lượng). Khu khách sạn 5 sao tạm coi là đã có hình hài (giai đoạn 1), nhưng phần hình hài này lại là do Công ty Du lịch Huế xây dựng hoàn thành xong và chuyển giao lại cho Công ty Sông Đà bằng hình thức nhận nợ ở ngân hàng. Giai đoạn 2, đã hoàn thành phương án giải toả, nhưng chưa có vốn nên đang treo.
Ông Lê Văn Chuyên nói: "Chậm chủ yếu là do thiếu vốn. Lúc chúng tôi lập dự án thì thị trường bất động sản ở Huế nói riêng và cả nước nói chung đang "sốt". Thời điểm đó, các ngân hàng sẵn sàng cam kết cho vay với lãi suất 8% và vốn đối ứng chỉ cần 10%. Tuy nhiên đến năm 2005, khi thị trường bất động sản bị đóng băng, các ngân hàng đã tăng lãi suất lên 12% và vốn đối ứng lên đến 30-30%".
Theo một nguồn tin, mới đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra "tối hậu thư": Nếu đến tháng 6/2006 tới, Công ty cổ phần bất động sản Sông Đà vẫn không tiếp tục triển khai việc xây dựng khu dân cư Kiểm Huệ và khu Trung tâm hội nghị quốc tế, siêu thị và cao ốc văn phòng thì tỉnh sẽ thu hồi lại đất.
Lại theo ông Lê Văn Chuyên, Công ty cổ phần Sông Đà đang kêu gọi vốn đầu tư từ nhiều cổ đông khác, tìm vốn đối ứng vay ngân hàng để các dự án được sớm triển khai.
Trong trường hợp xấu nhất là đến hết tháng 6/2006 tới vẫn không có vốn để triển khai dự án thì liệu Công ty Sông Đà có trả lại đất cho tỉnh Thừa Thiên-Huế? Ông Chuyên lắc đầu không trả lời được. Có điều “Riêng khu cao ốc ở góc đường Nguyễn Tri Phương và Hà Nội, chúng tôi đã thi công xong phần móng với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Đó đã thành móng nhà rồi chứ có phải đất nữa đâu mà trả (!?)".
Theo Lao Động