Khóc như nông dân… được mùa rau

Những ngày này, đến xã Tây Tựu (Hà Nội), cảnh tượng dễ nhận thấy nhất là những đống rau nằm ngập tràn các lối đi. Mùi rau thối nồng nặc. Rau được mùa nhưng nhà nông đang lo sẽ rơi vào cảnh tay trắng, đầm đìa nợ nần.

Khóc như nông dân… được mùa rau - 1

Luống rau trước giá bạc triệu, giờ khéo lắm mới được một trăm
 
Chưa bao giờ rau rẻ như bây giờ

 

Mấy ngày nay, khi đi chợ, người dân không còn tâm trạng lo lắng và thảng thốt với giá rau cắt cổ do ảnh hưởng của trận lũ lịch sử hồi tháng 11 năm 2008. Rau trượt giá thê thảm, rẻ như cho đến mức người đi chợ chẳng buồn mặc cả. Những loại rau ngắn ngày như cải chíp, cải xoong giá chỉ bằng 1/10 năm ngoái.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do người trồng rau được mùa, trong khi nhu cầu tiêu dùng không tăng nên mới dẫn đến tình trạng rau bán chậm như thời điểm hiện tại. Từ các chợ nội thành đến chợ ngoại thành giá rau đều rẻ bất ngờ.

 

Tại chợ cóc phố Quan Nhân, giá rau cần chỉ có 1.500 đồng/mớ, nếu so sánh với năm ngoái thì giá đã giảm đi còn 1/5. Càng những loại rau đắt năm ngoái thì năm nay lại càng rẻ. Vào giờ cao điểm bán hàng, đến chợ Xanh mới thấy tình cảnh của những người bán rau trong thời điểm này. Những sạp rau chồng chất nhưng khách hàng vẫn hờ hững đi qua.

 

Rau ngoại thành ùn ùn vào thành phố trong khi hiện nay nhiều hộ dân trong nội thành đã trồng được rau xanh, nên tình trạng cung đã vượt quá cầu. Chị Phương, nhà ở khu tập thể Đồng Xa, phường Mai Dịch nói: “Nhà tôi đợt này cũng không phải mua rau nhiều, chỉ khi phải mua những loại rau lạ thì mới ra chợ”.

 

Chị Mai, một người bán rau tại chợ Xanh cho biết: “Chúng tôi bây giờ hay bán rau cho các cô cậu sinh viên và mấy cô cậu trẻ mới đi làm, chứ còn dân trong các khu tập thể thì khó bán lắm. Nhiều người sợ mua rau bị độc nên tự trồng đâm ra bán ế”.

 

Sạp rau của chị Mai chưa năm nào đến buổi chiều muộn mà còn dư đến hơn nửa, nhưng mấy ngày gần đây thì chuyện ấy xảy ra thường xuyên.
 
Khóc như nông dân… được mùa rau - 2
Giá rau ngoài chợ rẻ như cho.
 

Thấy rau giá rẻ đi trông thấy, nhiều người tiêu dùng đã mừng thầm vì biết bao nhiêu thứ tăng giá trong khi rau lại giảm giá ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, tâm lý “của rẻ là của ôi” cũng làm cho nhiều người mua chột dạ. Thêm vào đó, thông tin có một số loại rau nhập lậu từ Trung Quốc vào cũng là nỗi ám ảnh của khá nhiều người.

 

Chị Hạnh (phường Quan Nhân) tâm sự: “Ra chợ mua rau mà rẻ như cho ấy. Ban đầu thấy cũng bình thường, nhưng thấy mọi người bàn tán về chuyện người ta phun thuốc kích thích cũng kinh lắm”.

 

Lợn cũng ngán... rau

 

Dân làng Tây Tựu (Hồ Tây, Hà Nội) quanh năm trông vào rau và hoa, nay hoa mất trắng sau lũ lịch sử tháng 11/2008, nguồn thu phải trông vào rau.

 

Khác với mọi năm, ra giêng hai trời rét căm căm thì năm nay thời tiết lại nắng ấm nên rau phát triển tốt. Hơn nữa, qua đợt lụt thì dân vùng Tây Tựu không còn hoa, đất đai lại chưa ổn định.

 

Người dân nơi đây giải thích, để có thể quay trở lại với hoa, họ phải thực hiện chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”. Họ trồng những loại rau ngắn ngày và có vốn đầu tư ít nhưng nhanh thu lại vốn để bình ổn cuộc sống.

 

Cả xã lao vào trồng rau nên diện tích rau xanh tăng nhiều, trong khi người mua thì vẫn thế. Hơn 80% diện tích của xã Tây Tựu được “thay áo mới” bằng những vạt rau xanh mướt mát. Nhà nhà trồng rau, người người trồng rau.

 

Cách đây đúng một năm, cũng độ giêng hai, gia đình chị Khuyên (Tây Tựu, Hà Nội) cũng kiếm được kha khá từ ruộng rau cải cúc. Bình thường, trung bình mỗi mớ rau cải cúc là 500 đồng, thì mấy hôm nay tụt xuống còn một trăm đồng.

 

Ngồi trên vườn rau sắp trổ bông chị Khuyên buồn bã nói: “Giá bèo bọt như thế này thì hỏi làm sao chúng tôi không đói được. Nhưng rau thì nhiều, lại đến ngày nhổ, không bán tống bán tháo thì để hỏng à?”.

 

Nhà chị Khuyên trồng hơn 8 sào rau sau khi đã bỏ ra ngót nghét 5 triệu tiền vốn. Nhưng xem chừng, năm nay gia đình chị cũng không thu lại được số vốn bỏ ra, vì rau đã quá lứa đến gần nửa.

 

Xung quanh nhà chị Khuyên là những vườn rau đã đến ngày hái nhưng người chủ vườn vẫn không thèm đụng tay đụng chân. Vì nếu có hái, cũng không biết bán cho ai. Nhiều người hái rau rồi mang ra tận các chợ đầu mối như chợ Dịch Vọng, chợ Long Biên, chợ sớm Ngã Tư Sở nhưng có khi vẫn phải mang về.

 
Khóc như nông dân… được mùa rau - 3
Rau chết già trong vườn, đến lợn cũng chả buồn ăn. 
 

Trong khi chị Khuyên cố bòn mót thêm được mớ rau cải cúc nào để sớm mai đem ra chợ bán thì anh Quảng (hàng xóm) lại nhổ rau cải chíp đổ đi. Anh Quảng nói với sang vườn nhà chị Khuyên: “Thôi, bòn thêm nữa làm gì, khéo lại như hôm qua mang rau ế về cho lợn. Mà lợn nhà tôi cũng... ngán rau rồi!”.

 

Anh Quảng có 3 sào rau cải chíp. Cả 3 sào đều đến độ thu hoạch, nhưng mang đi bán, họ chê... “rau đẹp quá, dễ có thuốc sâu”. Thế là ế, anh lại mang về cho lợn. Anh Quảng bảo, có người mua su hào có mấy trăm một củ vẫn kêu đắt và bảo “mua về cho lợn ăn”, vì “rau bây giờ thiếu gì loại ngon mà phải ăn su hào!”. Nói rồi, anh Quảng lẳng lặng nhổ rau quăng ra bờ mương để làm đất trồng hoa.

 

Rất nhiều hộ gia đình trên cánh đồng Dăm, cánh đồng Đồng Lý của xã Tây Tựu đang “khóc dở mếu dở” với việc rau thì đầy ứ ngoài đồng, xanh mởn chờ tay người hái nhưng lại không có người mua.

  

Trường hợp anh Tịnh, vốn có thâm niên với nghề trồng xà lách xoăn cho các nhà hàng cũng đang ngán ngẩm. Cách đây độ vài tháng, anh còn bán được 60.000/kg xà lách xoăn thì bây giờ chỉ còn có 6.000 đồng.

 

Mẹ anh Tịnh ngồi cạnh thở dài: “Một luống ngày trước là ngót nghét triệu bạc, bây giờ khéo lắm cũng không được một trăm”.

 

Trong những ngày này, đến xã Tây Tựu, cảnh tượng được nhìn thấy chủ yếu là những đống rau nhổ rồi vứt ngập tràn các lối đi. Mùi rau thối nồng nặc khắp cả xã. Những tưởng được mùa thì nhà nông sẽ mãn nguyện, nhưng ngược lại, họ lại đang lo sẽ rơi vào cảnh tay trắng, đầm đìa nợ nần.

 

Theo VietNamnet