TPHCM:
Khó xử lý cán bộ vi phạm về hưu
(Dân trí) - Tại TPHCM, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó nổi cộm là việc đề xuất xử lý cán bộ, công chức nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, chuyển nơi cư trú.
UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ về thi hành kết luận thanh tra (KLTT) và thực hiện KLTT giai đoạn 2016-2017.
Theo UBND TP, công tác thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra đạt được một số kết quả tích cực. Bên cạnh việc tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm dụng thất thoát còn tập trung đôn đốc thực hiện các kiến nghị về điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố trong tình hình mới.
Từ đó, góp phần thiết thực phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật và khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, thời gian xây dựng báo cáo một số kết quả, KLTT còn chậm, chưa đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2010.
Nội dung kết luận chưa làm rõ nguyên nhân, chưa đánh giá chính xác tính chất, mức độ hành vi vi phạm, chưa phân tích, đối chiếu, cập nhật kịp thời chế độ, pháp luật có liên quan đến nội dung thanh tra nên nội dung kết luận chung chung, chưa làm rõ được bản chất vấn đề.
Một số cán bộ, công chức trong ngành thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu trình độ, năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra...
Ngoài ra, việc công khai KLTT còn lúng túng về nội dung công khai là toàn văn hay chỉ công khai kết luận, kiến nghị của KLTT, chưa thống nhất về trình tự, thủ tục công khai.
Cũng theo UBND TP, mặc dù Luật Thanh tra 2010 có quy định về xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra nhưng còn mang tính khái quát, chưa có biện pháp cưỡng chế xử lý sau thanh tra, thiếu chế tài xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo thực thi KLTT.
Do đó, một số KLTT chưa có tính khả thi cao, thiếu căn cứ, kiến nghị còn chung chung, chưa chỉ được cụ thể, chính xác cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện; thời hạn thực hiện hoặc kiến nghị một cách áp đặt, miễn cưỡng gây khó khăn trong quá trình xử lý sau thanh tra.
Một số ít trường hợp đối tượng bị thanh tra gây thất thoát, lãng phí phải thu hồi tiền, tài sản nhưng bị thua lỗ không có khả năng thanh toán, nộp ngân sách Nhà nước.
Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện các đề xuất xử lý liên quan đến cán bộ, công chức nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, chuyển nơi cư trú... cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, khi cơ quan thanh tra chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thì công an thường đặt vấn đề hành vi vi phạm thuộc điều khoản nào của Bộ Luật hình sự, trong khi đơn vị thanh tra lại không đủ điều kiện làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Các vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra nhưng sau đó được kết luận không đủ cơ sở khởi tố hình sự được trả lại và đề nghị xử lý hành chính thì hầu hết vụ việc đều không còn thời hiệu xử lý.
“Đa số các vụ việc sai phạm qua phát hiện của thanh tra có liên quan đến trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đều không xử lý được do đã hết thời hiệu 24 tháng, thực tế tại TPHCM chỉ xử lý về mặt Đảng (đối với trường hợp cán bộ, công chức là Đảng viên)”, báo cáo nêu rõ.
Từ đó, UBND TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra và các quy định liên quan đến công tác xử lý sau thanh tra.
Trong đó, tăng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra từ 15 lên 20 ngày, KLTT từ 15 lên 30 ngày; bổ sung quy định về công khai KLTT, trình tự thủ tục niêm yết KLTT tại trụ sở cơ quan, đơn vị bị thanh tra, đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra...
Quốc Anh