Khó thực hiện kê khai tài sản vợ, con quan chức
Sáng nay, 13/6, dự án Luật phòng, chống tham nhũng, sẽ được thảo luận tại Quốc hội. Lần đầu tiên vấn đề kê khai tài sản của vợ (chồng), con các cán bộ cao cấp đã được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, xung quanh quy định này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Dự thảo luật quy định đối tượng kê khai là những người có chức vụ quyền hạn. Những người này còn phải kê khai tài sản của vợ (chồng), con trong gia đình cùng sổ hộ khẩu. Bản kê khai tài sản phải được công khai trong cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác làm việc.
Một số thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, việc kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con quan chức trong cùng sổ hộ khẩu là cần thiết. Lý do là cán bộ, công chức phải chịu những ràng buộc nhất định, khác với công dân bình thường. Quy định này cũng tạo sự răn đe cho những cán bộ có ý định nhũng nhiễu.
Nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Vũ Đức Khiển, một số ý kiến lại cho rằng quy định trên là không phù hợp với quy định về quyền có tài sản của công dân đã được ghi trong Bộ luật dân sự và trong Luật hôn nhân và gia đình. "Vợ hoặc chồng và con là chủ thể độc lập đối với người có chức vụ, quyền hạn. Nếu quy định phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con trong cùng sổ hộ khẩu là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của họ. Hơn nữa, do không có cơ chế quản lý thu nhập, đăng ký tài sản dẫn đến không quản lý được tài sản", ông Khiển nói.
Theo người đứng đầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, với quy định trong luật, quan chức tham nhũng chỉ cần tách vợ và con chưa thành niên ra khỏi sổ hộ khẩu là không bị khai tài sản. Trên thực tế, người tham nhũng không chỉ để người thân đứng tên sở hữu tài sản mà còn cáo thể giao cho đối tượng khác như bạn, đồng nghiệp đứng tên giữ hộ. "Để đảm báo tính khả thi của luật chỉ nên quy định người có chức vụ quyền hạn kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình. Ngoài ra, cần quy định kê khai đối với mọi biến động tài sản từ quan chức chuyển cho người khác như tặng, cho", ông Khiển nói.
Trong dự án Luật phòng, chống tham nhũng đã mở rộng khái niệm tham nhũng hơn so với trước đây. Tham nhũng được xác định "là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi". Theo Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, các hành vi tham nhũng diễn ra hết sức đa dựng, phức tạp, không chỉ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước mà còn mở rộng với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Theo ông Thanh, việc tặng quà và nhận quà tặng vốn là một tập quán tốt đẹp của dân tộc ta song hiện nay, đã bị lợi dụng để đưa và nhận hối lộ. Dự thảo luật quy định, nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi. Luật cũng quy định, công khai việc chuyển đổi cán bộ làm việc tại những vị trí quản lý tài sản nhà nước trực tiếp giải quyết công việc của công dân, doanh nghiệp. Theo ông Thanh, với những vị trí được coi là "ngon ăn", rất dễ xảy ra tiêu cực trong quyết định bổ nhiệm.
Theo VnExpress