1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khó quản các cơ sở dịch vụ nhạy cảm, TPHCM muốn sửa Luật Doanh nghiệp

(Dân trí) - Cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) không chấp hành quyết định xử phạt mà thay tên, đổi chủ hoặc thành lập doanh nghiệp khác tại địa chỉ vi phạm để tiếp tục kinh doanh… gây khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, TPHCM kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp để chấm dứt tình trạng trên.

>>Các cơ sở dịch vụ nhạy cảm quá tinh vi nên “bịt mắt” được lực lượng chức năng!?

Theo UBND TPHCM, trong thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, các đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội đã tổ chức kiểm tra 10.368 lượt cơ sở, phát hiện hơn 4.800 lượt vi phạm (46,57% số lượt kiểm tra).

Trong đó, có 473 lượt cơ sở vi phạm liên quan đến mại dâm, khiêu dâm và kích dục. Tổng số tiền xử phạt cơ sở vi phạm là 34,8 tỷ đồng. Công an thành phố và quận, huyện đã triệt phá 140 vụ tổ chức môi giới mại dâm, xử lý 734 đối tượng; kiểm tra hành chính 2.142 cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Hoạt động kinh doanh biến tướng xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và qua kiểm tra phát hiện đều có vi phạm liên quan đến tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm.

Tiếp viên nhà hàng mát mẻ phục vụ khách (ảnh: Đình Thảo)
Tiếp viên nhà hàng "mát mẻ" phục vụ khách (ảnh: Đình Thảo)

Theo UBND TP, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định cấm cấp mới hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ có vi phạm về tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Do vậy, khi kiểm tra xử lý, doanh nghiệp vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, mà lại tiến hành đăng ký sửa đổi tên doanh nghiệp, đổi chủ khác hoặc thành lập doanh nghiệp khác tại chính nơi vi phạm để tiếp tục kinh doanh.

Cơ quan đăng ký kinh doanh không có cơ sở từ chối cấp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký thành lập pháp nhân mới tại chính địa chỉ có doanh nghiệp vi phạm theo đề nghị của các sở, ngành quản lý chuyên ngành và của UBND các cấp.

“Suy cho cùng thì chính người thành lập doanh nghiệp mới là chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và để phát sinh tệ nạn xã hội hay không, nhưng Luật Doanh nghiệp không quy định người thành lập doanh nghiệp đã có hành vi kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội thuộc đối tượng bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp có thời hạn. Nên sau khi lập biên bản vi phạm tại doanh nghiệp này, người thành lập doanh nghiệp lại đăng ký thành lập doanh nghiệp khác” - UBND TP phân tích.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp vi phạm về tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, mại dâm) bị bắt quả tang, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần mà vẫn tiếp tục vi phạm nhưng không thu hồi được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do không thuộc các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Cũng theo UBND TP, cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội sau đăng ký thành lập.

Cụ thể, chưa có quy định chế tài đối với trường hợp một số doanh nghiệp cố tình né tránh hoặc không hợp tác, không tiếp đoàn kiểm tra, không cử người đại diện có thẩm quyền tiếp đoàn kiểm tra, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan công tác kiểm tra.

Thậm chí, doanh nghiệp có hành vi đối phó với đoàn kiểm tra như tạm ngưng kinh doanh vào ngày kiểm tra do việc kiểm tra hành chính theo kế hoạch phải thông báo trước cho doanh nghiệp biết.

Đội ngũ nhân viên phục vụ trong một nhà hàng tại quận 5 (ảnh: Đình Thảo)
Đội ngũ nhân viên phục vụ trong một nhà hàng tại quận 5 (ảnh: Đình Thảo)

Từ những tồn tại nêu trên, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch – Đầu tư tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa luật Doanh nghiệp năm 2014, bổ sung một số quy định để chủ động ngăn ngừa, gắn với đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội.

Cụ thể, cơ quan đăng ký kinh doanh lấy ý kiến của Chủ tịch UBND quận, huyện chấp thuận hay không chấp thuận để doanh nghiệp, hộ kinh doanh được đăng ký mới cùng ngành, nghề kinh doanh tại địa chỉ trước đó đã bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm.

Không đăng ký thay tên, đổi chủ đối với doanh nghiệp chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm, ma túy, cờ bạc. Đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động ngành, nghề vi phạm, cấm kinh doanh tại địa chỉ vi phạm có thời hạn khi doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp có thời hạn đối với người thành lập, quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm về tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, cờ bạc).

TPHCM kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính từ hai lần trở lên về cùng một hành vi vi phạm về tệ nạn xã hội.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao, trên địa bàn TPHCM có 1.268 cơ sở kinh doanh các loại hình tiểm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Trong đó, kinh doanh vũ trường, bar, beer club: 172 cơ sở (có phép 155, không phép 17); kinh doanh karaoke 478 cơ sở (có phép 344, không phép 134); kinh doanh thu âm trên nền nhạc; nhà hàng có tiếp viên nữ biến tướng có phục vụ khách hát karaoke: 618 cơ sở.

Trong một báo cáo khác của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thành phố có 10.144 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong đó 5.119 cơ sở lưu trú; 1.571 cơ sở nhà hàng có tiếp viên nữ; 781 cơ sở karaoke, ghi âm trên nền nhạc, hát với nhau; 34 cơ sở vũ trường, bar; 72 beer club; 871 quán cà phê đèn mờ, cà phê DJ, cà phê giải khát có tiếp viên nữ; 509 cơ sở massage, spa, dậy ấn huyệt, xông hơi - xoa bóp; 742 hớt tóc thanh nữ; 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác với 32.733 nhân viên, tiếp viên làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Quốc Anh