1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khổ như khi… ôsin về quê ăn Tết!

Buổi tổng kết liên hoan cuối năm của công ty, chị Nguyệt không thể có mặt vì phải vội vã về nhà hoàn thành hàng đống công việc không tên vốn là nhiệm vụ của cô giúp việc. Chị Nguyệt than trời: “Không cái khổ nào như cái khổ… ôsin về quê ăn Tết!”.

Khổ như khi… ôsin về quê ăn Tết! - 1
Ôsin về quê, Tết còn vất vả hơn ngày thường. (Ảnh minh hoạ)
 
Tự làm… ôsin trong 10 ngày Tết!

Chị Nguyệt phụ trách sổ sách kế toán cho một công ty tư nhân ở Hà Nội. Những ngày cuối năm, việc quyết toán, thu chi, tổng hợp sổ sách rất nhiều nên có hôm chị phải làm cả tối. Chồng chị, anh Nguyễn Chí Hiếu, quản lý bộ phận kinh doanh của một đại lý cấp 2 về gas, những ngày cuối năm càng đi miết.

Vào thời điểm này, chị càng bận hơn khi cô giúp việc nằng nặc đòi về quê cúng ông Táo, với lý do “năm ngoái em đã không được cúng ông Táo ở nhà!”.

Trước yêu cầu của cô giúp việc, lại cả nể, chị tặc lưỡi: mọi việc cũng tạm ổn rồi, thực phẩm ngày Tết tranh thủ ra siêu thị mua là có. Nhưng, vượt cả sự suy tính của chị, cô giúp việc về nhà được 2 ngày thì mọi việc trong nhà đã rối như canh hẹ.

Công việc ở công ty đến sát ngày 29 mới được nghỉ. Lu bù với đống sổ sách, hai đứa con nhỏ chị phải đem lên ngoại gửi, có hôm tối mịt mới về nhà, không kịp nhìn mặt con vì chúng đã ngủ cả! Việc mua bán, quán xuyến nhà cửa từ lâu chị đã phó mặc cho cô giúp việc, bây giờ phải một tay làm, chị bối rối như lạc vào nhà người lạ.

Cũng giống chị Nguyệt, cô giúp việc của chị Linh (phố Hàng Cháo) cũng đã về quê từ hôm 20 (âm lịch). Gần tuần lễ, chị phải mang cả con nhỏ lên cơ quan. Những lúc có việc chạy ra ngoài ngân hàng thanh toán các hợp đồng tài chính, chị lại phải nhờ đồng nghiệp trông giúp.

Ngày cuối năm, công ty, công sở nào cũng ngồn ngộn công việc cần phải giải quyết trong năm, để bước sang quý mới. Những hôm bận quá không kịp về nhà nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà cửa, việc ăn uống của chồng chị cũng không biết như thế nào.

“Anh ấy nhà tôi cả tuần nay đi ăn cơm bụi. Còn tôi, lúc thì gọi cơm hộp, lúc về ngoại vừa đón cháu, vừa “ăn chực” cơm đằng ngoại, xong lại phải đi làm tiếp!” - chị Linh cho biết.

Ngày ông Táo lên trời, chị Hà (làm việc tại Hiệp hội Phần mềm Vinasa) đến cơ quan làm việc ngoài giờ để hoàn thành nốt công việc của mình. Đến cuối giờ chiều, khi chồng gọi điện, chị mới “tá hoả” sực nhớ bếp nhà mình vẫn “than lạnh, tro nguội”, mà lễ cúng ông Táo cuối năm vẫn chưa chuẩn bị gì vì ô sin đã về quê.

Vội vàng ra sắm sửa, may mắn chị cũng tìm được hàng bán cá, nhưng toàn con bé, thuộc kiểu “hàng ế” còn sót lại. Nửa khóc nửa cười, chị đành để ông Táo “cưỡi xe… đạp điện” lên gặp Ngọc Hoàng. “Cứ kiểu này, chắc 10 ngày Tết mình phải làm “ôsin” cả 10 mất!” - chị Hà than phiền.

Dịch vụ ôsin cháy hàng

Vợ chồng chị Đinh Thu Hiền (Láng Hạ, Hà Nội) đã mấy ngày nay phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm ôsin thay thế người giúp việc về nghỉ Tết mà vẫn chưa tìm được.

Cách đây mấy ngày, người giúp việc quê Nghệ An ra “tối hậu thư” cho vợ chồng chị rằng sẽ về quê vào ngày 22 tháng chạp. Bối rối vì chưa biết xoay xở gửi con cho ai trong mấy ngày tới, nên vợ chồng chị Hiền đang cuống hết cả lên.

Chị Hiền bảo: “Cả hai vợ chồng đều phải làm đến 29 Tết mới được nghỉ, nên nếu không có người giúp việc thì không có ai trông con và dọn nhà cho. Thuê ôsin ở các trung tâm cũng ngại vì thực sự không tin họ lắm, nhưng tính đi tính lại cuối cùng… hai vợ chồng đành liều đi tìm người giúp việc mới, nhưng đã một tuần nay tìm khắp các trung tâm mà vẫn không được”.

Gia đình anh Lê Phị Hùng ở Cầu Diễn trong mấy ngày nay cũng đang lo lắng không biết tìm đâu ra người thay thế người giúp việc cũ đã về quê mấy ngày hôm nay. Vợ chồng anh Hùng đều là cán bộ nhà nước. Theo lịch, Tết này cả hai vợ chồng anh Hùng đều phải trực nên có người giúp việc trong mấy ngày Tết là rất cần thiết, nhất là khi trong nhà còn có thêm mẹ già đang ốm liệt giường và hai con nhỏ. Sau mấy ngày nhờ người thân tìm giúp, cuối cùng anh Hùng phải chấp nhận thuê ôsin trong 4 ngày Tết với giá 150 nghìn đồng/ngày.

Anh Lê Hữu Hoàn (quận Thanh Xuân) cũng trong tình cảnh như vậy. Trong mấy ngày nay, anh Hoàn phải bỏ bê công việc kinh doanh của mình chỉ vì cả vợ và con đều ốm phải thay nhau vào viện mà không có người giúp việc.

Theo đúng lịch trình, anh Hoàn sẽ đưa vợ con về Thanh Hoá ăn Tết, nên anh đã để ôsin về từ ngày 16/1 dương lịch. Thế nhưng, khi ôsin về mới được hôm trước thì hôm sau vợ và con trai hơn 1 tuổi lại lâm bệnh rồi phải nằm viện. Trước tình trạng sức khỏe vợ con không đảm bảo, anh Hoàn đành quyết định Tết này ở lại Hà Nội đón Tết.

Thế nhưng, lo lắng nhất của anh Hoàn lúc này là tìm đâu ra một người giúp việc để giúp vợ con trong mấy ngày Tết. “Ngày Tết tôi vẫn phải tiếp khách làm ăn, vợ con thì ốm đau chẳng làm được gì nên chắc chắn tôi phải tìm thuê một người giúp việc. Nhưng tìm người giúp việc bây giờ khó quá! Tôi tự tìm và nhờ cả người thân tìm mà vẫn chưa ra được” - anh Hoàn cho biết.

Nỗi lo… mất ôsin sau Tết!

Khi nhu cầu tìm người giúp việc ngày càng cao ở nhiều gia đình trong các thành phố lớn, tình trạng khan hiếm người giúp việc đã làm nên “cơn sốt ôsin”. Nhiều gia đình, sau Tết lại thêm một nỗi lo: tìm người giúp việc mới, vì cô giúp việc cũ đã… về quê nghỉ Tết mà không có hồi âm!

Gia đình chị Hà (Khâm Thiên) trong năm tìm được một cô giúp việc “tạm ưng ý” với mức lương 1triệu đồng/tháng, nuôi cơm, ăn nghỉ tại nhà, thế nhưng, “giữ chân” được cô giúp việc này lại là cả một vấn đề lớn.

Bởi vì năm ngoái, một cô giúp việc quê Phú Thọ làm việc cho gia đình chị, về nhà nghỉ Tết rồi “bặt tăm” luôn. Và phải khó khăn lắm chị mới tìm được một cô khác thay thế.

“Mình đi làm cả ngày, ở nhà có mỗi bố mẹ già, lại ốm yếu luôn nên không thể không có người giúp việc đỡ đần. Cũng không đòi hỏi nhiều ở các cô giúp việc, nhưng tìm được một người nhanh nhẹn và trung thực không phải dễ, đấy là chưa nói đến việc phải một thời gian sau họ mới bắt đầu quen công việc trong nhà mình, biết sử dụng các thiết bị điện trong gia đình…” - chị Hà cho biết.

Việc các cô giúp việc nghỉ làm sau Tết không còn là “chuyện lạ” ở nhiều gia đình tại Hà Nội. Có thể họ có công việc ở nhà nên xin nghỉ, nhưng không hiếm những trường hợp đã tự ý bỏ việc để sang làm cho một gia đình khác, khi nhận được lời hứa hẹn với mức tiền lương cao hơn.

Nhiều gia đình, trong thời gian chờ đợi tìm được người giúp việc mới, đã chấp nhận thuê người dọn dẹp theo giờ, mức phí cao hơn và thường chỉ được giúp đỡ những đầu việc đã có trong hợp đồng mượn người.

Để tìm được người giúp việc tin tưởng, thường phải nhờ người quen dẫn dắt, giới thiệu… Tại Hà Nội cũng có các trung tâm môi giới, nhưng theo chị Hà, những trung tâm này thường không tìm được người đáng tin cậy.

Theo Kiên Trung - Vũ Điệp
VietNamnet