1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khó chịu vì trời nồm

(Dân trí) - Bầu trời xầm xì, oi bức, không khí ẩm ướt, tường nhà, nền ngạch thì đổ mồ hôi ẩm ướt. Mỗi năm, người dân khu vực phía Bắc lại phải sống chung với những khó chịu do hiện tượng trời nồm trong nhiều ngày.

Muỗi “tấn công”

 

Muỗi nhiều như vãi chấu, đó là khẳng định của bất cứ người dân Hà Nội nào khi được hỏi về muỗi. “Đứng nghe điện thoại dưới bếp, chân phải dậm liên tục mà vẫn không tránh được những “mũi kim châm” của đám muỗi bay vo vo dưới chân”, chị Thuỷ, ngõ 6, đường Chiến Thắng, Hà Đông bày tỏ.

 

Hay với nhiều cánh nam giới, niềm háo hức xem những trận bóng nóng bỏng dường như cũng xẹp đi đôi chút vì… muỗi. Bởi nhiều khi, thức để đợi xem xong cho được một hiệp bóng đá thì mình mẩy cũng “đầy thương tích” do muỗi đem lại mất rồi.

 

Nhất là những hôm mất điện, muỗi càng được thể “tấn công” người như vũ bão.

 

Học sinh ngồi học bài cũng đến khổ vì muỗi. Nhưng tội nhất là trẻ em, da các bé non nớt nên cứ bị muỗi đốt là mẩn đỏ, sưng mọng đến vài ngày mới hết. Dấu tích nốt cũ chưa hết thì lại nổi thêm nốt mới.

 

Không chỉ có nhiều ở những nơi ẩm thấp như ao hồ, vườn tược, nhà thấp tầng… mà ngay ở những chung cư tầng cao, thoáng, tường và ngạch nền không bị đổ mồ hôi nhưng muỗi vẫn nhiều vô kể.

 

Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện tượng muỗi nhiều hai tuần trở lại đây là do bước vào mùa sinh sản, lại được dịp trời nồm, độ ẩm không khí luôn ở khoảng 80 - 90%, đôi khi kèm theo mưa phùn.

 

Mấy ngày qua, nồm thể hiện rõ khi đêm và sáng sớm, sương mù dày đặc, đến gần trưa mới tan. Kiểu trời nồm này được dự báo sẽ phát triển mạnh vào tháng 3 và đầu tháng 4.

 

Thêm bệnh vì trời nồm

 

Muỗi đốt không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu, mà còn truyền bệnh giữa người với người, hay giữa động vật và người. Các bệnh do muỗi truyền có thể gây tử vong cao gồm sốt xuất huyết, sốt rét, vàng da.

 

Với trẻ em, bên cạnh nguy cơ tiềm ẩn thì có thể thấy ngay là các nốt phồng muỗi đốt bị trợt, đôi khi còn loét (do các bé gãi)  phải dùng thuốc bôi côn trùng đốt mới đỡ. Vì thế, nên bôi dầu chống muỗi đốt cho trẻ. Hoặc phun các thuốc diệt muỗi chuyên dụng trước mùa sinh sản của chúng để tiêu diệt muỗi.

 

Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng phòng khám bệnh Viện Da liễu TƯ, cho biết, những ngày trời nồm, số bệnh nhân đến khám vì các bệnh da liễu tăng nhanh (lên tới 400 lượt khám/ngày). Không chỉ bị mẩn ngứa do muỗi đốt, do dị ứng thời tiết mà nhiều người còn bị nấm, lang ben... do mặc quần áo ẩm ướt.

 

Rất nhiều bệnh nhân phàn nàn, dù có vắt qua máy giặt, nhưng phơi quần áo đến vài ngày cũng không khô, đành là qua mặc tạm. Nhất là những gia đình có trẻ em, nếu không có máy sấy, mặc đồ ẩm rất dễ bị ngứa, mẩn đỏ da.

 

Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ BV Nhi TƯ, trời nồm cũng khiến nhiều trẻ phải nhập viện vì các bệnh hô hấp và chiếm tới một nửa trong tổng số 1.000 lượt khám mỗi ngày. Ho khù khụ, nước mũi chảy dòng dòng, hắt hơi liên tục… là những cảnh thường gặp ở các em bé trong giai đoạn này. Sự thay đổi liên tục thời tiết, sáng sớm thì mây mù ẩm ướt, trưa nắng ấm, quang đãng, đêm nhiệt độ lại xuống thấp, trong những ngày này khiến sức đề kháng còn yếu của cơ thể các bé khó chống đỡ, nên rất dễ bị các vi rút gây bệnh viêm đường hô hấp tấn công. Trong khi đó, kiểu thời tiết ẩm như thế này là điều kiện lý tưởng cho các vi rút phát triển.

 

Vì thế, cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ trong lúc này là tăng cường bồi bổ cơ thể bằng nguồn thức ăn phong phú, nhiều rau xanh, bổ sung các vitamin tăng cường sức đề kháng, nhất là vitaminC.

 

Hồng Hải