Khiếm khuyết của tòa án trong xét xử đang gây bức xúc lớn
(Dân trí) - Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn nêu thực tế, chất lượng xét xử của tòa án hiện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều khiếm khuyến bất cập đang gây ra những bức xúc với cơ quan xét xử…
Chiều 13/3, UB thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Tờ trình của TAND tối cao nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện luật hiện hành, hệ thống Tòa án ở Việt Nam đang bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập cả về tổ chức và hoạt động. Tổ chức và hoạt động của các Tòa án chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, chồng chéo nhau về nhiệm vụ, thẩm quyền.
Chất lượng xét xử của các Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Những khiếm khuyết, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, một mặt làm hạn chế vai trò và sự phát triển, tiến bộ của cơ quan Tòa án, mặt khác gây ra những bức xúc, đòi hỏi của Nhà nước và xã hội trong việc củng cố, kiện toàn cơ quan Tòa án.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề nghị quy định hệ thống của tòa án được tổ chức gồm 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Cụ thể 4 cấp tòa gồm: TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, TAND cấp cao và TAND tối cao.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn phân tích, việc tổ chức TAND theo hướng này là phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, để đảm bảo độc lập trong xét xử, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của ngành tòa án hiện nay. Đây cũng là phương thức để nâng cao vị trí, vai trò của tòa án trong nhà nước pháp quyền.
Vai trò của thẩm phán cũng được đề cao, khẳng định trong dự thảo luật với việc đề xuất tăng thời gian nhiệm kỳ bổ nhiệm để người cầm cân nảy mực yên tâm công tác, đảm bảo độc lập trong xét xử. Có 2 phương án được đưa ra.
Phương án 1 quy định thẩm phán TAND tối cao được bổ nhiệm không thời hạn, các thẩm phán khác nhiệm kỳ đầu là 5 năm (như quy định hiện hành), nếu được tái nhiệm thì nhiệm kỳ sau được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Phương án 2, thẩm phán TAND tối cao cũng được bổ nhiệm không thời hạn, nhiệm kỳ của thẩm phán khác là 10 năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo làm rõ khái niệm thực hiện quyền tư pháp và mối quan hệ với các cơ quan liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, khi xây dựng dự thảo luật cần quán triệt Thông báo của Bộ Chính trị, Kết luận về tổng kết nâng cao hoạt động hệ thống chính trị, trong đó có cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn về đề xuất quy định về “thẩm phán ngoài ngạch”. Theo ông Lý, Hiến pháp hiện nay quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Nhưng trong dự thảo Luật lại quy định có thẩm phán chính ngạch và thẩm phán ngoài ngạch. Điều này gây khó hiểu, làm hạ thấp vai trò của thẩm phán.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, nội dung về quyền bổ nhiệm thẩm phán, hay thẩm phán chính ngạch, ngoài ngạch… không phù hợp với Hiến pháp mới.
Luật tổ chức TAND tối cao là một trong những luật đầu tiên về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước được chọn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Dự luật sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 tới đây của Quốc hội. Một loạt các luật khác cũng đang được đốc thúc chuẩn bị sửa đổi như luật tổ chức Quốc hội, luật tổ chức Chính phủ…
P.Thảo