Khi TPHCM được tăng ngân sách, trung ương sẽ có thêm 345 nghìn tỉ đồng

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM trong 10 năm tới thì tiền nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ đồng.

Phát biểu bế mạc hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 42 ngày 8/7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM hiện nay (18%) là quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đây là vấn đề thực tế và TPHCM từng báo cáo Trung ương 3 năm trước. 

Theo ông Nhân, sắp tới TPHCM sẽ làm việc với Ban Kinh tế Trung ương và báo cáo đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM. 

Khi TPHCM được tăng ngân sách, trung ương sẽ có thêm 345 nghìn tỉ đồng - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM trong 10 năm tới thì Trung ương sẽ có thêm 345.000 tỷ đồng

Người đứng đầu Đảng bộ TP cho biết, TPHCM là trung tâm kinh tế hiệu quả nhất cả nước, năng suất lao động gấp 2,7-2,9 lần cả nước. Một đồng vốn công ở TPHCM bỏ ra thu hút 10 đồng - 14 đồng vốn đầu tư. Một năm TPHCM có thêm 126.000 lao động.

Ông Nhân cho rằng, để lại tiền cho thành phố thì huy động nguồn vốn xã hội gấp hơn 10 lần. Để lại 1 đồng thì khi có lao động sẽ tạo ra năng suất lao động gấp 3 lần.

Để làm rõ hơn nhận định trên, Bí thư Nhân dẫn kết quả nghiên cứu trong 5 tháng vừa qua: nếu tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM 5 năm tới (2021-2025) là 24%, 5 năm tiếp theo (2026-2030) là 28% so với phương án 18% trong 10 năm tới thì nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ đồng (tương đương 14,8 tỷ USD).

Cùng với đó, ngân sách TPHCM cũng được tăng thêm khoảng hơn 390.000 tỷ đồng. 

"Có cơ sở khoa học để khẳng định tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố nhiều hơn thì Trung ương sẽ thu nhiều hơn", Bí thư Nhân nói.

Theo ông Nhân, tháng 7 này sẽ trình đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM lên Bộ Chính trị.

Trước đó, tại phiên khai mạc, người đứng đầu Đảng bộ TP thông tin: tỷ trọng đóng góp của kinh tế TPHCM với cả nước trong hơn 20 năm qua không ngừng tăng lên.

Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP chiếm 17%, giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% và giai đoạn 2011-2019 chiếm 22% kinh tế cả nước. Song song đó, giai đoạn 2001-2010, TP đóng góp vào ngân sách cả nước là 26% và giai đoạn 2011-2019 đóng góp 27,5%. 

"Tỷ trọng đóng góp tiếp tục tăng lên, đây là yếu tố chỉ rõ vị trí đầu tàu tiếp tục giữ vững và khẳng định", ông Nhân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra tốc độ phát triển của TPHCM so với cả nước đã giảm. Cụ thể, giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố bằng 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước, song đến giai đoạn 2011-2019 chỉ còn 1,2 lần.

Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có một nguyên nhân: trong 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM đầu tư phát triển ngày càng giảm.

"Đóng góp cho ngân sách ngày càng tăng nhưng phần để lại cho TPHCM ngày càng giảm. Năm 2000 tỷ lệ để lại cho TP từ 33% tổng thu trên địa bàn. Còn 2017-2020, tức là sau 20 năm giảm xuống còn 18%. Chúng ta là địa phương giảm mạnh nhất", ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, cũng trong 20 năm đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%; Hải Phòng giảm từ 100% xuống 78%. 

"Đây là lý do khách quan làm hạn chế sự phát triển vượt trội của TPHCM", ông Nhân nói.

Quốc Anh