Bí thư Nhân "than" tỷ lệ phân chia ngân sách cho TPHCM ngày càng giảm
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tỷ trọng đóng góp của kinh tế TPHCM với cả nước trong 20 năm qua không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, phần để lại cho TP đầu tư phát triển ngày càng giảm.
Ngày 7/7, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 42.
Hội nghị lần này tập trung đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm cũng như dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2015-2020) và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2021-2025).
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dịch Covid-19 đã làm tình hình dự báo về kinh tế - xã hội không còn đúng, năm 2020 trở thành năm ngoại lệ. Vì vậy, cần đánh giá về giai đoạn liên tục 2016-2019 và đánh giá riêng năm 2020. Do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên chưa thể nói chính xác về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM vẫn giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước và cần phải làm rõ vai trò này, TP đã làm gì và mặt nào cần phải làm tốt hơn nữa.
Phân tích sâu hơn, người đứng đầu Đảng bộ TP thông tin: tỷ trọng đóng góp của kinh tế TPHCM với cả nước trong hơn 20 năm qua không ngừng tăng lên.
Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế TP chiếm 17%, giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% và giai đoạn 2011-2019 chiếm 22% kinh tế cả nước. Song song đó, giai đoạn 2001-2010, TP đóng góp vào ngân sách cả nước là 26% và giai đoạn 2011-2019 đóng góp 27,5%.
"Tỷ trọng đóng góp tiếp tục tăng lên, đây là yếu tố chỉ rõ vị trí đầu tàu tiếp tục giữ vững và khẳng định", ông Nhân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra tốc độ phát triển của TPHCM so với cả nước đã giảm. Cụ thể, giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố bằng 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước, song đến giai đoạn 2011-2019 chỉ còn 1,2 lần.
Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có một nguyên nhân: trong 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM đầu tư phát triển ngày càng giảm.
"Đóng góp cho ngân sách ngày càng tăng nhưng phần để lại cho TPHCM ngày càng giảm. Năm 2000 tỷ lệ để lại cho TP từ 33% tổng thu trên địa bàn. Còn 2017-2020, tức là sau 20 năm giảm xuống còn 18%. Chúng ta là địa phương giảm mạnh nhất", ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, cũng trong 20 năm đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%; Hải Phòng giảm từ 100% xuống 78%.
"Đây là lý do khách quan làm hạn chế sự phát triển vượt trội của TPHCM", ông Nhân nói.
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu Đảng bộ TP nhấn mạnh sự chủ động của TPHCM về phòng chống dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm. Thành phố triển khai các giải pháp chủ động sớm nhất cả nước như quyết định cho học sinh nghỉ học, vấn đề đeo khẩu trang, đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, chuẩn bị các khu cách ly...
Theo ông Nhân, dịch Covid-19 đã làm khoảng 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, do đó cần làm rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp được hỗ trợ, phục hồi kinh tế...
Để kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn, Bí thư Nhân cho rằng cần làm tốt hợp tác công tư. Đồng thời, giải quyết điều bất hợp lý: ngành công nghiệp, dịch vụ đóng góp cho kinh tế thành phố hơn 90% nhưng đất đai dành cho ngành này (không tính bất động sản) rất thấp, chỉ khoảng 5% (10.000 ha) quỹ đất của TPHCM.
Quốc Anh