1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khi sim "khủng” vào tiệm cầm đồ

Theo trào lưu, người dùng sở hữu điện thoại di động đắt tiền, hợp thời trang cũng cần có những dãy số đẳng cấp đi kèm. Có nhiều người còn nói: “Thà sử dụng một chiếc điện thoại rẻ tiền và một chiếc sim số đẳng cấp còn hơn dùng điện thoại sành điệu nhưng số lởm khởm”.

Chính vì thế, thị trường sim số đẹp vẫn luôn luôn nóng, và kéo theo nó là hàng loạt kiểu kiếm tiền từ những chiếc sim được coi là… khủng.

Minh họa Internet
Minh họa Internet
Giải mã những con số

Chính do nhu cầu của khách hàng về sim số đẹp, nên nhiều người đã bắt đầu đi tìm bí mật và giải nghĩa những con số. Đầu tiên phải kể đến tam hoa. Tam hoa ở đây được hiểu khi dãy số có 3 số đuôi giống nhau như 09xxxxx888; 09xxxxx999… Những dãy số tam hoa cũng có giá không hề rẻ, có thể nói tam hoa chỉ sau có tứ quý, ngũ quý. Với 4, 5 số cuối giống nhau, sim tứ quý-ngũ quý được coi là đắt và khó sở hữu nhất. Chính vì thế, khi những đầu số 090, 091, 098… đều đã có chủ sỡ hữu tứ quý-ngũ quý, khách hàng yêu thích sim đẹp lại chuyển qua lựa chọn những đầu số mới như 016, 012…

Ngoài tam hoa, tứ quý-ngũ quý thì sim số đảo, số lặp, số gánh… cũng khá đắt khách. Bênh cạnh đó, giới kinh doanh sim số đẹp cũng dựa vào nhiều cách giải thích của riêng mình để biến những con số trở nên ý nghĩa hơn. Như 68 thường được gọi là lộc phát. Đảo ngược lại là 86 cũng có nghĩa là phát lộc. 39 thì được coi là thần tài. Hay như số 1102 được giới yêu thích sim đẹp gọi là độc nhất vô nhị, 4078 là bốn mùa không thất bát, 6789 là san bằng tất cả, sống bằng tình bạn…

Giới kinh doanh sim số đẹp còn pha trộn thêm cả tiếng Anh vào dãy số để giải thích với khách hàng cho vần và ý nghĩa. Như dãy số 2205 được nhiều người gọi rằng “mãi mãi không phai”. Giải thích cho dãy số “lai” này, được biết 22 là mãi mãi, số 5 trong tiếng Anh là five (phiên âm tiếng Việt là “phai”) (?!) Dãy số xxx.616.0077 được hiểu là “lộc sinh lộc, không mất”. Hay như xx16.16.8888 được lý giải là “trường sinh lộc, sinh lộc, tứ phát”… Ngoài 4 số cuối được cho là đẹp, thì những dãy số ở trước cũng cần có ý nghĩa, có như vậy, sim mới thực sự được “thổi” giá. Những sim cực V.I.P như xxx8888888; xxx9999999… thường có rất cao và phải là người có “máu mặt” thì mới dám chơi. Tuy nhiên, những sim cực V.I.P này thường được nhà mạng “găm” lại và phục vụ những cuộc đấu giá từ thiện.  

Sim đẹp vào cầm đồ

Bỏ ra 50 triệu đề cầm một sim “ngũ quý 8”, hết hạn, khách không quay lại trả tiền - chủ một tiệm cầm đồ trên phố Đặng Dung, Hà Nội đã trở thành chủ nhân mới của số V.I.P và có thể rao bán với giá gấp đôi, gấp ba khoản tiền đã bỏ ra.  Thực tế 1, 2 năm trở lại đây, các hiệu cầm đồ hoạt động ngày càng tinh vi và không ít cơ sở đã chuyển sang loại hình cầm đồ sim số đẹp. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cầm sim số đẹp” thì có thể thấy hiện ra hàng trăm kết quả, và khi nhấp chuột vào một số đường link, ai cũng dễ dàng nhận thấy những dòng quảng cáo hấp dẫn: “Nhận cầm sim số đẹp, số V.I.P cho ai có nhu cầu, lãi suất hợp lý, không giới hạn số lượng… Điều quan trọng hơn là giữ kín thông tin khách hàng, khách hàng có thể mang sim về dùng bình thường”. Thủ tục cầm sim đơn giản, người đi cầm chỉ cần tới nhà mạng sang tên cho chủ hiệu, còn sim vẫn có thể giữ để dùng. Cũng như điện thoại hay máy tính, số tiền cầm sim thường chỉ 50-70% giá trị sim, lãi suất từ 2.000, 3.000 hoặc 5.000 đồng/triệu/ngày. 

Cũng như nhà đất, ôtô, xe máy, laptop… - bất kể những gì có giá trị quy đổi ra được bằng tiền là có thể đem cầm cố. Sim điện thoại đẹp cũng vậy, rất nhiều chủ sim số đẹp vì cần tiền đã mang sim đi cầm cố hoặc “lướt sóng”, “bán non”… Giá trị của sim đẹp thì vô cùng, nhưng chủ hiệu cầm đồ thường ép giá nhận cầm chỉ bằng 1/2, 1/3 giá trị mà sim có thể rao bán được trên thị trường. Vì không phải “mua đứt bán gọn”, thời hạn cầm khoảng 30 ngày với lãi suất 5.000 đồng cho 1 triệu đồng mỗi ngày. Hết hạn cầm đồ, chủ sim mang cả vốn lẫn lãi trả đủ sẽ được sang tên lại sim. Còn nếu không, sim đẹp chính thức trở thành tài sản của chủ cầm đồ. Thực tế cứ 20 người mang sim đi cầm chỉ khoảng 1/4 người đến lấy lại vì lãi cao mỗi ngày cộng dồn vào vốn thì không phải ai cũng có để trả.

Và những rủi ro

 Tuy nhiên theo không ít người kinh doanh dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thực chất sim số dù “khủng” thế nào cũng chỉ là giá trị ảo và được định giá theo tâm lý người tiêu dùng. Thứ nhất, ở thời điểm sim được nhiều khách ưa chuộng, hợp phong thủy, mệnh, số thì chủ buôn có thể lãi gấp nhiều lần khi “ôm” sim đẹp. Nhưng nếu không may cầm sim rồi mà không ai mua thì chỉ còn nước “chết trên khối tài sản ảo” mà chẳng biết than ai (?!) Rủi ro thứ hai đó là chuyện có thể mất oan hoặc xảy ra tranh chấp sim đẹp. Nguyên do bắt nguồn từ thủ tục cầm đồ, khách cầm đồ phải làm hợp đồng chuyển quyền sở hữu sim số đẹp sang chủ hiệu cầm đồ, khi nào muốn lấy lại sim sẽ phải mang hợp đồng ra để chuyển quyền sử dụng lại như cũ. Thực tế nếu sim được đưa cho chủ cầm đồ trong thời gian cầm cố, nếu như người chủ mới của sim sử dụng sim vào những mục đích xấu như quấy rầy người khác, gửi “thư rác”, hay nhờ “uy tín” của sim số đẹp mà “báo” lô-đề-cá độ bóng đá thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm.

 Thêm nữa, cũng vì là sim số đẹp nên giá trị của sim rất lớn, trong khi số phận của chiếc sim đang thuộc về tay chủ cầm đồ mà có khách hàng sẵn sàng trả giá cao gấp nhiều lần để mua lại,  chủ dịch vụ cầm đồ cũng chẳng ngại “lật kèo” không trả lại sim cho người cầm đồ để bán hưởng lợi. Khi đó sẽ giải quyết tranh chấp này như thế nào? Theo các nhà mạng,  nếu muốn chuyển quyền sử dụng sim, bắt buộc cả 2 bên đều phải ra bưu điện hoặc điểm đăng ký dịch vụ của nhà mạng để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng và hòa mạng mới. Sau khi hết thời gian cầm đồ, 2 bên lại tiếp tục ra để làm lại thủ tục chuyển quyền sử dụng về như cũ. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà chủ cầm đồ không chịu cùng ra để làm lại thủ tục thì nhà mạng sẽ không thể đứng ra can thiệp hay giải quyết chuyển quyền sử dụng về cho chủ cũ của sim đó được. Khi đó chuyện tranh chấp sẽ do 2 bên tự thương lượng, giải quyết với nhau căn cứ theo hợp đồng mà 2 bên đã làm với nhau trước đó. 

Định đoạt số phận sim đẹp

Ngày 1-6-2012 vừa qua, Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước của Bộ Thông tin & Truyền thông đã chính thức được thi hành triệt để với sự giám sát của nhiều bên, trong đó có cả Bộ Công an. Với chỉ đạo cấm bán sim trả trước kích hoạt sẵn, xem ra nỗ lực lách luật giữ sim đẹp của giới dân buôn càng bi đát hơn, và số phận của những sim đẹp cứ thế mà trôi nổi tìm… bến đỗ cuối. Thông tư 04 kết hợp với việc siết chặt thu hồi sim của nhà mạng đã làm cho giới buôn sim rất khó để bán sim “rác” và “đục lỗ” sim đẹp như trước.

Anh Phan Đình Tuấn (phố Tây Kết, Hà Nội), một người buôn sim cho biết: “Trước đây thì cứ ôm cả dải rồi sau đó “đục lỗ” các sim đẹp láy, lặp, tam hoa, tứ quý để bán đi thu lãi, dãy số “xấu” thừa ra thì bán theo dạng sim “rác” để hoàn vốn. Nếu không được kích hoạt trước sim đẹp để giữ số thì nhập cả dải sim về cũng chẳng làm gì, hơn nữa mỗi đại lý chỉ được đăng ký giữ tối đa 100 sim/mạng tại một thời điểm. Dân buôn nào cố bám trụ thì chỉ có nhập in ít, bán túc tắc thôi, không “găm” hàng được nữa. Người còn thì sẽ xả hàng, cắt lỗ trước khả năng mất trắng kho sim đẹp đang nắm giữ”. Theo anh Tuấn thì từ giai đoạn này trở đi vẫn nằm trong tâm chấn của thị trường sim số đẹp, bởi dần tất cả sẽ về sát với giá thực tế và dễ dàng hơn với nhu cầu sở hữu của người tiêu dùng. 

Anh Nguyễn Ngọc Anh, chuyên viên công nghệ thông tin tại Hà Nội cho biết: “Việc quản lý chặt, minh bạch thị trường sim số sẽ tạo đà cho một nền viễn thông di động phát triển bền vững. Đến nay chưa có một ai có thể thống kê được số tiền được sử dụng để mua-bán sim đẹp, mà con số có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng”. Thực tế nhiều ý kiến cho rằng sim số đẹp cần phải bán đấu giá công khai, và số tiền thu được sẽ dùng vào những việc xã hội, từ thiện, giúp đỡ người nghèo… Nếu như dự án trên trở thành hiện thực thì việc bán đấu giá sim số đẹp sẽ không chỉ mang lại may mắn cho nhiều số phận bất hạnh, ngoài ra còn hạn chế được những tiêu cực. Nhà mạng không thu được nhiều lợi ích từ sim số đẹp bởi các nhà mạng không được phép làm giá. Vì vậy, đây là thời điểm cần thiết để thắt chặt quản lý sim số và đưa sim số đẹp trở về đúng giá trị của nó. 
Các thủ đoạn cướp sim đẹp

Chính vì sim đẹp có giá trị lớn nên tình trạng “ăn cắp”, chiếm đoạt sim vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Bọn “cướp” sim nhắn tin cho chủ thuê bao nhận được thông báo trúng thưởng khuyến mại nhưng sim đang có tranh chấp phải kiểm chứng lại, thế là không ít khách hàng “mắc mưu” vội vàng cung cấp thông tin cá nhân cho “người lạ”. Sau đó sử dụng thông tin dò hỏi được cung cấp chính xác và những số điện thoại phát sinh gần nhất đề nghị nhà mạng đề nghị cấp lại sim và đương nhiên chủ thật sự bỗng dưng mất sim số đẹp.

Câu hỏi đặt ra là có chuyện nhà mạng cũng “tiếp tay” để cướp sim đẹp hay không. Mới đây nhất, một chủ sim đẹp đã bị cướp sim mà không hề hay biết. Chủ nhân số thuê bao 09xxxx8668 thấy sim không hoạt động được đã nhờ nhà mạng hỗ trợ và nhận được thông báo đã có một thuê bao khác đến cấp lại và thay đổi dữ liệu. Điều lạ là tất cả những dữ liệu chỉ có chủ thuê bao thật sự cùng hệ thống nhà mạng biết. Sau khi nhà mạng kiểm tra, xác minh sự việc tranh chấp thì phát hiện ra một nhân viên giao dịch của nhà mạng đã cung cấp ra bên ngoài cho “người lạ” để cướp sim. 
 
Theo Đoan Trang
An ninh Thủ đô