1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Khi quyền lực, tiền bạc, tình cảm vào tòa, công lý cắp cặp ra đi”

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã khái quát như vậy khi phát biểu trong phiên thảo luận về luật Tổ chức VKSND sửa đổi tại Quốc hội ngày 5/6. Các đại biểu gật đầu với yêu cầu tăng tính độc lập của các cơ quan trong quá trình tố tụng để chống án oan sai.

Ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu tỉnh Lâm Đồng) phân tích, quyền lực, tiền bạc và tình cảm có sức mạnh không biên giới, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được. Và khi những yếu tố này lọt vào các cơ quan tố tụng, vào quá trình tố tụng thì sẽ làm cho công lý phải “cắp cặp ra đi”, không còn ở đó.

Chính vì vậy, ông Thuyền kế luận, vấn đề yếu nhất của ngành kiểm sát nói riêng và hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy. Vì cán bộ bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì mới xảy ra oan và sai.
 
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Điểm yếu nhất của ngành tư pháp hiện nay là đội ngũ cán bộ.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Điểm yếu nhất của ngành tư pháp hiện nay là đội ngũ cán bộ".

“Không phải do tổ chức nhập cơ quan này với cơ quan khác thì tốt, không phải cứ làm phép tính cộng vào tự nhiên đội ngũ tốt lên mạnh lên. Cái chính yếu nhất lúc này là cần xây dựng đội ngũ cán bộ, tôi luyện sao cho đủ bản lĩnh để có trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh và bàn tay sạch mới làm cho cán cân công lý và công bằng xã hội được thực hiện” – ông Thuyền nói.

Để tăng tính độc lập của cơ quan công tố, ông Thuyền dẫn chứng một số quốc gia quy định cơ quan công tố có thẩm quyền điều tra như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc… để thấy một mô hình đáng tham khảo vận dụng.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, nếu VKS chỉ dừng ở khâu phát hiện và kiến nghị xử lý những hoạt động vi phạm bề nổi thì sẽ không loại trừ được những hành vi tội phạm đằng sau vi phạm đó. Thực tiễn cho thấy trong hoạt động tư pháp có oan sai thì có bóng dáng của tội phạm tham nhũng. Ông Dương liệt kê nhiều hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp như ăn tiền, nhận hối lộ, tham ô dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Ông Đương gợi ý quy định sao để cơ quan công tố phải thực hiện các biện pháp chống oan sai ngay từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định. Để nâng cao chất lượng công tác tư pháp, không phải cải cách trụ sở mà phải cải cách con người, cải cách cái đầu, lương tâm và trách nhiệm, làm sao để người thẩm phán, người kiểm sát viên hoạt động độc lập theo luật.

Đại biểu đề nghị tập trung vào giải quyết chế độ, lương bổng thỏa đáng cho kiểm sát viên nói riêng và cán bộ cơ quan tư pháp nói chung. “Họ không nghĩ đến tiền thì họ mới trong sáng được. Không đói cũng ăn vụng cũng làm liều. Biện chứng cuộc đời như thế, không ai có thể nói mình sạch được đâu. Có điều kiện làm liều” - ông Đương nói.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nhấn mạnh yếu tố con người. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm, nâng ngạch kiểm sát viên thông qua một hội đồng tuyển chọn và thi tuyển.

“Bởi vì nếu chỉ có tuyển chọn không theo một hội đồng thì chúng ta lại không đánh giá được năng lực trình độ của kiểm sát viên và nếu chỉ có thi tuyển không thì chúng ta lại không xem xét được phẩm chất đạo đức và trách nhiệm của kiểm sát viên” – ông Quyền nói.

Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh đưa ra thống kê của UB Tư pháp của Quốc hội cho thấy từ năm 2010 tới 2013, số người phạm tội trong các cơ quan tư pháp, tức là người cơ quan tư pháp thực hiện, chiếm đến 10% tổng số tội phạm trong phạm vi cả nước. Từ năm 2010 đến nay, cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 169 vụ với 206 bị can là người của các cơ quan tư pháp phạm tội trong hoạt động tư pháp.

P.Thảo