Vụ Bệnh viện Sóc Trăng bỏ bệnh nhân đến chết:
Khi người bác sĩ đánh mất “y đức”!
Sáng 16/9, gia đình bà Trần Thị Thanh Nhàn đã hỏa táng và mang tro cốt của đứa con trai xấu số gửi vào chùa. Cái chết của anh Đức như giọt nước tràn ly làm người dân Sóc Trăng càng bất bình bởi đây không phải là lần đầu tiên những thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng làm việc tắc trách.
Vô trách nhiệm
Ngồi thẫn thờ cạnh bàn thờ anh Đức trong căn nhà lá xiêu vẹo ở một con hẻm sâu trên đường Trần Hưng Đạo, thị xã Sóc Trăng, bà Nhàn nói: “Lúc thằng Đức bị đau bụng giọng nói vẫn còn khỏe. Nó kêu tôi gọi bác sĩ đến cứu nhưng người trực cứ mê ngủ, xem mạng sống con tôi không ra gì. Sau khi con tôi chết, một bác sĩ tên Luân chạy đến nhà xác đưa 5 triệu đồng, bảo gia đình đừng... la, đừng làm lớn chuyện”.
Bà Nhàn cho rằng phải chi vết thương của Đức quá nặng, mất máu nhiều nên bác sĩ không cứu được thì gia đình không tức giận. Đằng này bác sĩ siêu âm nói Đức “không sao”, vết thương nhẹ nên tiền mua thuốc uống (theo toa) sau khi nhập viện cũng chỉ có 22.300 đồng, nhưng vì sự thiếu trách nhiệm của bác sĩ đã dẫn đến cái chết oan nghiệt của con bà.
Không riêng gì con trai bà Nhàn, mới đây bà Nguyễn Thị Bình (61 tuổi) ở xã Long Bình, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) cũng trở thành nạn nhân của những thầy thuốc xem thường mạng sống bệnh nhân. Theo lời kể của chị Huỳnh Thị On (con gái bà Bình), ngày 27/8 bà Bình bị tai nạn giao thông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sóc Trăng điều trị.
Sau khi khám xong, bác sĩ kêu gia đình đưa về nhà vì chẩn đoán bà Bình không có bệnh gì. Kể về cái chết của mẹ mình, chị On cho biết: “Rạng sáng hôm sau mẹ tôi than bị chóng mặt, mệt vã mồ hôi nên tôi kêu xe chở vô bệnh viện thì mới biết bệnh nhũn não của bà tái phát, nằm trị vài ngày thì chết”.
Cách nay hơn một tháng, ngày 13/8, anh Nguyễn Thanh Hiền ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bị chấn thương sọ não do té xe được người nhà đưa vào BVĐK Sóc Trăng mổ sọ não. Mặc dù sau khi phẫu thuật bệnh nhân vẫn còn thở nhưng các bác sĩ ở khoa ngoại chấn thương nói là anh Hiền đã chết, bảo gia đình chở về nhà chôn. Trong lúc chuẩn bị mai táng, gia đình phát hiện anh Hiền vẫn còn sống nên chuyển lên Bệnh viện 121 - Quân khu 9 (Cần Thơ) điều trị...
Trước đó, chiều 21/6/2006, chị Quách Thị Phi Tuyết ở tỉnh lộ 8, xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bị tai nạn giao thông, chuyển vào BVĐK Sóc Trăng trong tình trạng xương đùi bị gãy, trên mu bàn chân trái có một vết xây xát và cổ bị đau. Sau khi chụp CT, bác sĩ cho biết chị chỉ bị trặc cổ và gãy xương đùi. Chị bức xúc: “BVĐK Sóc Trăng nói chỉ bị trặc cổ nên không cho chuyển viện nhưng sau khi lên Bệnh viện 115 (TPHCM) chụp hình thì phát hiện tôi bị gãy đến ba đốt sống cổ”.
Một chuyện hi hữu xảy ra sau khi chị Tuyết chuyển xuống khoa chấn thương chỉnh hình để cưa bột, phẫu thuật nối xương đùi thì các bác sĩ ở Bệnh viện 115 mới “tá hỏa” khi thấy vết thương hở trên mu bàn chân đã bị nhiễm trùng, bị hoại tử, hôi thối, mủ chảy ra rất nhiều... và xung quanh vết thương sình bùn còn bám đầy.
Chị Tuyết cho biết: “Khi bó bột em gái tôi có hỏi tại sao không rửa sạch sình đất rồi hãy bó thì bác sĩ thực hiện khâu này nói rằng chuyện đó không phải là nhiệm vụ của họ (?).
Không tránh khỏi... thiếu sót?
Trong một lần tiếp xúc với báo chí, thạc sĩ Lê Đình Hùng - phó giám đốc BVĐK Sóc Trăng - cho biết: “Do đội ngũ y - bác sĩ còn thiếu, ở hai khu khám và điều trị thường xuyên bị quá tải nên trong quá trình điều trị bệnh nhân, chúng tôi không tránh khỏi những thiếu sót, vì vậy sẽ chấn chỉnh lại”.
Chiều 16/9, sau vụ “bỏ bệnh nhân cho đến chết”, chúng tôi trở lại BVĐK Sóc Trăng thì không gặp được các “sếp” của bệnh viện, phòng trực lãnh đạo cửa đóng then cài. Gọi vào số điện thoại di động của ông giám đốc BVĐK Sóc Trăng Nguyễn Thanh Hoàng thì chỉ nghe... “ò...e...í”, kiên nhẫn gọi vào di động ông phó giám đốc bệnh viện thì chuông reo nhưng không ai bắt máy.
Theo một nguồn tin riêng, liên quan đến những việc làm tắc trách của một số y - bác sĩ, Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành họp kiểm điểm và sẽ có quyết định kỷ luật những cá nhân sai phạm vào sáng 18/9. Người dân đang mong chờ sự công tâm của lãnh đạo ngành y tế tỉnh Sóc Trăng để những người thầy thuốc đánh mất hai chữ “y đức” phải bị xử lý nghiêm.
Theo Ngọc Diên
Tuổi Trẻ