Khi lòng nhân vượt qua lời nguyền
(Dân trí) - Chồng nhiễm chất độc màu da cam, đứa con duy nhất lên 6 tuổi thì qua đời, chị Y Chảy dồn tình yêu thương cho những đứa trẻ "dưng". Một mình chị vượt qua những hủ tục lạc hậu, cứu những sinh linh bé nhỏ về nuôi dưỡng.
Người có tấm lòng nhân hậu đó là cựu nữ thanh niên xung phong hỏa tuyến nổi tiếng một thời tên là Y Chảy - dân tộc Giẻ Triêng, làng Măng Lon, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei.
Dang tay đón những sinh linh vô tội
Gia đình chị Y Chảy có 4 anh em thì cả 4 đều tham gia cách mạng. Trong cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, 3 người anh của chị đã anh dũng hy sinh. Chị mới 11 tuổi đã được tổ chức tin cậy giao nhiệm vụ đưa thư hỏa tốc, lớn lên lại tham gia thanh niên xung phong hỏa tuyến. Gót chân của chị đã in dấu ở hầu khắp các buôn làng khu vực bắc Tây Nguyên.
Sau giải phóng, chị làm việc ở văn phòng Huyện ủy Đăk Glei, rồi làm công nhân Lâm trường Đăk Ba. Chị lập gia đình với anh A Ngút, người du kích kiên cường của địa phương. Cuộc sống gia đình của anh chị sẽ thật trọn vẹn nếu anh không bị nhiễm chất độc màu da cam. Hai người có với nhau 1 mặt con, lên 6 tuổi thì bé mất.
Thương con, nhiều đêm chị cứ nghẹn lòng…! Tháng 7/1989, chị Y Ui, một ngươi bà con của chị hớt hải đến báo: “Y Chảy ơi! Em đến nhà rông ở làng Nú Kon mà coi! Có một cháu bé đang khóc, sắp chết kìa. Em đến lấy nuôi đi không thì tội quá…!”.
Không nói không rằng, chị đâm đầu chạy thẳng đến nhà rông. Đến nơi, chị thấy một người đàn ông ôm mặt khóc bên đứa bé đang hấp hối. Người đó nói mình tên là A Rang, người làng Tà Pok, xã Dục Nông, có vợ, ở rể chưa giáp năm thì vợ sinh. Mẹ vợ ốm nặng mất, làng nói A Rang là thầy cúng, thầy mo, muốn hại làng. Nghe lời dân làng, cha vợ khuyên con gái đuổi người chồng và con mình vừa mới mang nặng đẻ đau ra khỏi làng.
A Rang buộc lòng phải một mình bế con, bỏ làng ra đi. Không có sữa mẹ, đứa bé khóc nấc mãi. A Rang đào củ sắn, nấu chín nhai mớm nước thay sữa mẹ cho con. Nghe câu chuyện xót thương, chị Y Chảy xin cháu đem về xin nuôi và đặt tên là A Trình. Bây giờ A Trình đã là một thanh niên lanh lợi và hiếu thảo.
Sau A Trình, tháng 4/1992, chị nhận nuôi con của một nữ công nhân không chồng. Người mẹ này sau khi sinh bị hậu sản nên gọi chị đến cho con. Cũng như khi nuôi A Trình, chị phải đi xin từng khúc mía đem về ép lấy nước, dành dụm tiền mua từng lạng đường, lon sữa về cho cháu. Thế nhưng không may, khi được 1 tuổi, bé bị bạo bệnh và qua đời.
Gọi hai con gái xinh xắn đang chơi trong nhà ra phòng khách, chị giới thiệu: cháu lớn có nước da trắng tên là Y U Sin, cháu bé da ngăm là Y U Ni. “Y U Sin là giọt máu con người Kinh, không phải dân tộc đâu! Mẹ Y U Sin quê Thanh Hóa, là công nhân Lâm trường chè Đăk Sút, không chồng, không biết cha cháu là ai”.
Cháu Y U Ni lại ở một hoàn cảnh khác. Bố mẹ cháu là người cùng làng. Sinh U Ni hôm trước thì hôm sau mẹ mất. Theo tục của người Giẻ-Triêng, mẹ chết không có người nuôi dưỡng cháu phải chôn theo mẹ. Chị Y Chảy vội bàn với cán bộ phụ nữ xã tìm cách cứu cháu. Không ai có cách gì, Y Chảy lại lên tiếng nhận nuôi cháu.
Các cháu hiện đều ngoan, học khá và là niềm tự hào của chị. Riêng A Trình năm ngoái đang học lớp 10 ở Trường Dân tộc nội trú huyện Đăk Glei, nghe tin mẹ đau ốm đã bỏ học về nhà phụng dưỡng mẹ, nuôi em và thờ phụng cha nuôi vừa mới bị bệnh mất.
“Bà mụ vườn” mát tay
Chị Y Chảy còn nổi tiếng khắp vùng là “bà mụ vườn” mát tay. Khi còn là thanh niên xung phong hỏa tuyến tham gia cứu thương, chăm sóc bộ đội bị thương, giúp chị em dân làng sinh đẻ, nên giờ đây ở địa phương hễ có ai đẻ ngược, đẻ xuôi đến nhờ cậy chị đều chăm lo “mẹ tròn, con vuông”.
Trong quãng thời gian làm “bà mụ” ở quê nhà, chị đã 130 lần giúp các bà mẹ “vượt cạn” an toàn. Có ngày chị đỡ đẻ đến 3 ca. Kỳ lạ hơn, chỉ bằng kinh nghiệm và thông qua đôi “bàn tay vàng” khi tiếp xúc với từng sản phụ, chị có thể đoán chắc đứa bé sắp chào đời là trai hay gái; còn khoảng thời gian bao nhiêu nữa thì người mẹ sẽ sinh; thai ngược hay thai xuôi…
Thắc mắc làm sao chị biết được những điều đó mà không qua một hình thức thăm khám hiện đại nào? Chị giải thích đơn giản: “Hồi chiến tranh, đi cứu thương, trợ giúp chị em vượt cạn được bộ đội dạy và quen tay đó mà”.
Từ tấm lòng nhân ái, chị Y Chảy đã vượt qua lời nguyền, chiến thắng những tập tục lạc hậu của người vùng cao và làm được những điều cao cả hiếm thấy xưa nay trong cộng đồng người dân tộc bắc Tây Nguyên.
Trần Văn Nhiên