1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khi các bà nội trợ dè sẻn

Tan sở, những nữ nhân viên văn phòng, chiếm số đông ở trung tâm Sài Gòn, đã góp phần đẩy doanh số bán hàng ở các siêu thị và cửa hàng, sạp chợ tăng đáng kể. Các bà các chị bây giờ thích mua thực phẩm về tự chế biến - như một cách tiết kiệm chi tiêu.

Khi các bà nội trợ dè sẻn - 1
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm về để tự chế biến bữa ăn như là một cách tiết kiệm chi tiêu.

 

Bà Hạnh, bán rau củ quả ở phía sau chợ Tân Định cho biết: “Bán chạy nhất là khoảng sau năm giờ, mấy bà làm văn phòng ghé vô là mua trọn gói theo món, chẳng hạn hễ bán mướp là phải gọt sẵn vỏ, có kèm cả tôm khô, hành ngò đã làm sạch; mấy bà bán thịt, bán cá cũng có cả các gói sả, ớt, hành, tỏi bằm nhuyễn để tẩm ướp cho nhanh”.

 

Theo quan sát của bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc siêu thị Hà Nội: Các gia đình đang tiết kiệm các khoản chi tiêu bên ngoài. Nhờ vậy các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế, thức uống tiện dụng như trà, cà phê đóng gói… đều tăng từ 15 – 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các mặt hàng giày dép, quần áo may sẵn, túi xách, trang sức… đều giảm doanh thu từ 30 – 50%.

 

Đại diện một số hãng thời trang có cửa hàng bán lẻ, cũng như cung cấp hàng cho siêu thị như Sanding, Thành Công, Việt Thy… nhìn nhận, sức mua của thị trường đang giảm đáng kể, bình quân khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trong khi tiểu thương các chợ ở khu vực trung tâm thành phố như Bến Thành, Tân Định, Tôn Thất Đạm, An Đông… chỉ ước được bán rau củ quả, trái cây tăng khoảng vài chục ngàn đồng (tính ra khoảng 20 – 30%/doanh thu/ngày), thì hệ thống siêu thị Maximark có sổ sách thống kê rõ: lượng rau củ quả tươi bán ra mỗi ngày đang tăng trên 50% so với trước tết.

 

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark nói: “Rõ ràng các gia đình không chỉ tiết kiệm chi tiêu bằng cách giảm bữa ăn ngoài, mua thực phẩm về tự nấu, mà họ đang tính toán lại chi phí cho đời sống hàng ngày hợp lý hơn, tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng đời sống. Chẳng hạn họ giảm mua nước uống có gas, đồ hộp thay vào đó là các loại rau củ, trái cây tươi. Giảm mua các sản phẩm mới, lạ vừa ra mắt, mà lại sắm các mặt hàng quen dùng như rổ rá, nồi, chảo, nước rửa chén, xà bông…”.

 

Số liệu về mức tăng hơn 10% của các dụng cụ dành cho nhà bếp, các chất tẩy rửa cơ bản dùng cho việc làm vệ sinh trong nhà ở Maximark được bà Thảo nêu làm dẫn chứng.

 

Tương tự như vậy, ở hệ thống siêu thị Big C, hàng thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng thiết yếu như đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn… đều có mức tăng doanh thu từ 20 – 30%, các nhóm hàng đồ dùng trong nhà cũng có mức tăng mà theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại của Big C thì: “Khá tốt, hơn mong đợi của chúng tôi”.

 

“Ngay với nhu cầu trẻ em, các gia đình đang quay lại truyền thống, tổ chức bữa ăn sáng trong nhà và lo bữa ăn cho con cái nhiều hơn thay vì cho các em tiền tự mua hoặc cùng ăn sáng bên ngoài với trẻ”, bà Bùi Thị Liên, trợ lý giám đốc của công ty bánh kẹo Á Châu nhận xét.     

 

Theo Bích Thảo

 Sài Gòn tiếp thị