Khi bão đi qua miền sông nước
(Dân trí) - Mặc dù được báo trước và có sự phòng chống nhưng người dân cũng không thể ngăn nổi sự càn quét đầy hung dữ của trận bão tràn về, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.
Sau cơn bão số 10, chúng tôi tìm về miền quê sống bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản, cách chân cầu Hộ Độ (về phía tây thuộc địa phận xóm Trung, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) khoảng chừng 500m. Đến rồi mới biết bao nhiêu nỗi cực nhọc, bao mồ hôi nước mắt của người dân nơi đây đều bị bão lũ cuốn trôi còn lại một vùng mênh mông trắng xóa.
Nhìn từ phía xa, thấp thoáng một bóng người ngồi lặng bên bờ hồ nuôi cá. Đó là anh Lê Huy Nghĩa, người vừa mất trắng hồ cá nuôi sau một đêm bão quét. Anh Nghĩa thuộc diện hộ nghèo của địa phương, ruộng không có, quanh năm sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn.Cuộc sống hai vợ chồng lại thêm 3 mụn con nên làm không đủ ăn, đủ tiền cho con học. Đánh liều, anh Nghĩa thuê lại của một người dân khác gần 1 ha hồ nuôi cá với thời gian 20 năm.
Theo dự án của xã, bước đầu xã hỗ trợ 100% giống cá Chẽm, anh Nghĩa thả nuôi đến nay đã được hơn 4 tháng. Hiện cá mỗi con đạt khoảng 1kg, tổng hồ cá của anh Nghĩa đạt khoảng 4 tấn cá, ước tính nếu thu hoạch đúng thời vụ sẽ đạt hơn 600 triệu đồng. Vậy nhưng tất cả nay đã mất trắng.
“Không biết rồi đây gia đình tui biết lấy chi mà trả nợ ngân hàng. Tui đã vay hơn 200 triệu triệu đồng để về đầu tư nạo vét ao hồ, mua thức ăn cho cá. Cả nhà đều trông chờ vào vụ thu hoạch để mong đời sống gia đình được cải thiện. Nhưng bây giờ, cả nhà chết đói đến nơi rồi” - anh Nghĩa buồn rầu bộc bạch.
Thảm cảnh không kém gì hộ nhà anh Nghĩa là hộ anh Võ Văn Chương cũng thuộc diện được hỗ trợ con giống, nhưng tiền để đầu tư ao hồ và thức ăn nuôi cá thì cũng đều đi vay. Nhưng hộ anh Chương thì đã nuôi được mấy vụ trước, đã cho hiệu quả nhưng cũng vừa đủ trang trải chi tiêu trong gia đình và trả nợ ngân hàng. Sang vụ này, anh Chương ước tính nếu thuận lợi thì sẽ cho thu hoạch gần 500 triệu đồng. Niềm vui mong ước đang ấp ủ thì bị cơn bão ập đến nuốt trôi tất cả.
Còn hộ anh Lê Huy Luận, thuộc diện hộ cận nghèo, vợ bị bệnh nằm liệt giường, con cái còn tuổi ăn tuổi học. Vụ cá đầu tiên này tiền giống anh đầu tư vào vài chục triệu đồng, còn tiền mua thức ăn cho cá đã lên đến hàng trăm triệu. Khi cá vừa được hai tháng tuổi thì bị thiếu oxy nên chết gần phân nửa, thiệt hại chưa nguôi ngoai thì nay thiên tai lại hoành hành mất trắng.
Đưa mắt nhìn ra hồ cá trắng xóa, anh Luận nói trong não nề: “Mất hết cả rồi, bao nhiêu công sức, tiền bạc vay mượn đổ dồn vào đây. Nhưng ông trời không cho hưởng. Bão cướp đi miếng cơm manh áo của gia đình nhà tui rồi”.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Quyền, với hồ cá gần 2 ha, mỗi ngày riêng thức ăn cho cá đã hết hơn 2 triệu đồng. Nếu thu hoạch thuận lợi, đúng thời vụ thì đạt 5 tấn cá, ước tính khoảng 700 triệu đồng. Nhưng giờ đây chỉ còn lại những vạt bèo trôi nổi.
“Vì đầu ra không có và bán nhỏ lẻ thì không được là bao, nếu bắt ít sẽ động đến cả đàn làm cá thột và bỏ ăn.Do đó, chúng tôi đã không còn cách nào khác là trông chờ sự may mắn.Cứ nghĩ như những năm trước, bão đến cũng không ảnh hưởng gí nhiều. Nhưng không ngờ cơn bão này đã quét sạch đàn cá của chúng tôi”-Ông Quyền than thở .
Thiệt hại nặng nhất trong vùng nuôi thủy hải sản nơi đây phải kể đến hộ anh Nguyễn Văn Nguyên. Khác với những hộ nuôi trồng thủy hải sản khác, anh Nguyên là người được học hành bài bản,là thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Ngoài ra anh học thêm về ngành nuôi trồng thủy hải sản và nuôi gia cầm.
Diện tích nuôi trồng hải sản và nuôi gia cầm khoảng chừng 70ha. Năm nay ngoài diện tích nuôi trồng hải sản, anh Nguyên đã đầu tư hơn 500 triệu đồng vào diện tích ao hồ để nuôi gia cầm. Anh thuê công nhân đổ đất và xây chuồng trại để nuôi gà, còn xung quanh là hồ nuôi cá.
Những năm trước việc nuôi trồng diễn ra thuận lợi, cho thu nhập khá. Nhưng vốn đầu tư còn nhỏ, bắt đầu từ năm ngoái anh cho cải tạo vùng đất, làm chuồng trại và nhà ở tạm cho công nhân. Đồng thời đầu tư nuôi gần 1200 con gà đẻ siêu trứng và gà Đồng Cảo
Anh phân trần: "Mặc dù được báo trước, nhưng vì số lượng nuôi trồng hải sản và gia cầm quá lớn, không kịp tiêu thụ nên khi bão đến chỉ biết đứng nhìn công sức, tiền của ra đi mà không làm được gì.Cũng may, về tôm cá nuôi trên ao không bị thiệt hại, mà chỉ thiệt hại về gia cầm. Nhưng cũng ước tính mât trăng gần 2 tỷ đồng"
Anh Nguyên cho biết thêm“Tôi tiếp thu khoa học kỹ thuật nuôi trồng tại viện nuôi trồng thành phố, và được sự khuyến khích của ban khuyến nông TP, nên đã đầu tư vốn vào nuôi cá và gia cầm trên ao hồ.Về cá nuôi thì không thiệt hại là bao, nhưng về gia cầm mà chủ yếu là gà siêu trứng và gà Đồng Cảo thì mất trắng. Hiện tại gà đã đạt trên 1kg/con. Dự tính gần tết sẽ xuất chuồng. Không ngờ nước lũ dâng cao, làm gà chết sạch”.
Cơn bão đã đi qua, nhưng những mất mát thiệt hại lại đè nặng lên mỗi ngôi nhà không lấy gì bù đắp. Những món nợ ngân hàng lại thêm chồng chất, cái đói cái nghèo lại có cơ hội đeo bám tận cùng ngõ hẻm làng quê..Người nông dân lại phải nai lưng ra mưu sinh cuộc sống để trả nợ,lo việc học hành cho con cái và trăm ngàn thứ buộc phải chi tiêu hàng ngày .
Thu Hoài