Khen thưởng ngành thanh tra Hà Tĩnh: “Nếu đủ điều kiện thì vẫn nhất trí”

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2015 diễn ra sáng 15/4, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã lên tiếng xung quanh việc UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho ngành thanh tra tỉnh này, gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận.

Ông Trần Đức Lượng (ngoài cùng bên trái) trả lời báo chí sáng 15/4.
Ông Trần Đức Lượng (ngoài cùng bên trái) trả lời báo chí sáng 15/4.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc Thanh tra Chính phủ vừa công bố công khai kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có trách nhiệm không nhỏ của thanh tra tỉnh này; vậy việc đề xuất khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động có gây phản cảm, không hợp lý? Ông Ngô Văn Khương - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ), trích dẫn quy định tại Điều 53 Nghị định 42/2010 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều Luật Thi đua - Khen thưởng và khẳng định việc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng trong trường hợp này thuộc về UBND tỉnh Hà Tĩnh, không thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ.

Ông Khương cho biết UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho ngành thanh tra Hà Tĩnh chứ không phải riêng Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh.

“Qua theo dõi chúng tôi được biết hồ sơ đề nghị tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho thanh tra Hà Tĩnh đã chuyển tới Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ). Trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban Thi đua - Khen thưởng sẽ có văn bản đề nghị hiệp y với Thanh tra Chính phủ với tư cách cơ quan chủ quản về ngành, lĩnh vực. Khi nhận được văn bản thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, phúc đáp. Tuy nhiên hiện giờ chúng tôi chưa nhận được văn bản của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Nếu ngành thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đủ điều kiện thì quan điểm của Thanh tra Chính phủ là chúng tôi sẽ nhất trí”- ông Khương nói.

Trong khi đó, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng việc khen thưởng như thế nào phải áp dụng, tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, trong đó xem xét tới cả một quá trình hoạt động của đơn vị, của nhiều thế hệ.

“Không vì một vụ việc mà không xem xét thành tích của nhiều thế hệ, của cả quá trình công tác. Thế mới đúng với tính chất động viên, khách quan trong khen thưởng. Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét thận trọng và phát biểu ý kiến của mình”- ông Lượng nói.

Cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm, ai chịu trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân trong việc quyết định cho phép Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) thuê đất lên tới 70 năm, trái với pháp luật về đầu tư nước ngoài, ông Bùi Ngọc Lam - Cục trưởng Cục II (Thanh tra Chính phủ), cho biết kết luận thanh tra đã khẳng định rõ trách nhiệm này thuộc về Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Ánh.

Một góc khu kinh tế Vũng Áng.
Một góc khu kinh tế Vũng Áng.

“Hà Tĩnh đang tổ chức thực hiện và đến nay đã có báo cáo bước đầu. Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đôn đốc, giám sát đối với UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện. Khi có kết quả cụ thế sẽ thông báo trong các cuộc họp báo tiếp theo”- ông Lam nói.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Đức Lượng nói: “Kết luận thanh tra đã chỉ rõ việc cho thuê đất 70 năm không phù hợp với pháp luật đầu tư, nhưng pháp luật Việt Nam có cho phép không ?. Có cho phép, nhưng thẩm quyền cho phép thuộc Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng sau khi tham khảo ý kiến đóng góp của các bộ, ngành đã đồng ý với việc đó. Bây giờ người làm sai có xem xét trách nhiệm không, theo quy định thì cơ quan làm sai phải bị xử lý, bất kể là ai cũng bị xử lý theo quy trình, quy định của pháp luật liên quan”.

Thế Kha