TPHCM:

Khen thưởng đến 10 triệu đồng cho người tố cáo tham nhũng

(Dân trí) - Ngoài bằng khen, giấy khen, tiền thưởng cố định, người tố cáo tham nhũng còn có thể được thưởng tới 10 triệu đồng hoặc cao hơn nữa, tùy thuộc vào tính chất vụ tham nhũng được phát hiện.

Người phát hiện và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi tham nhũng xảy ra ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và được cơ quan thụ lý xác định tính chính xác của thông tin về hành vi tham nhũng sẽ được nhận bằng khen, giấy khen và tiền thưởng từ Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố, quận - huyện và sở - ban - ngành thành phố, theo đúng chế độ quy định của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Ngoài hình thức khen thưởng trên, tùy theo thành tích, người phát hiện còn được khen thưởng đột xuất đối với cá nhân, tập thể từ 1 triệu - 10 triệu đồng, hoặc có thể cao hơn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng quyết định. Ngoài ra, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện tham nhũng, có tầm ảnh hưởng rộng, tài sản thu hồi có giá trị lớn còn được đề nghị Thủ tướng Chính phủ có hình thức khen thưởng cao hơn.

 

Đây là nội dung của Quy chế về bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, được Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân ký quyết định ban hành ngày 22/6 và chính thức có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Thời gian thực hiện việc khen thưởng người phát hiện, tố cáo tham nhũng được quy định không quá 20 ngày sau khi cơ quan thụ lý xác định được giá trị của thông tin.

 

Quy chế vừa ban hành cũng quy định rõ chế độ bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Theo đó, khi người phát hiện có yêu cầu được bảo vệ thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trong phạm vị trách nhiệm, quyền hạn của mình phải áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định pháp luật.

 

Trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin phản ánh hoặc theo yêu cầu của người phát hiện, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian 8 giờ kể từ khi nhận được văn bản trên, Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm yêu cầu Chủ tịch UBND quận - huyện, Trưởng Ban chỉ đạo quận - huyện về phòng, chống tham nhũng, cơ quan công an và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ, hoặc bảo vệ khẩn cấp.

 

Hoàng Liên Sơn

 TTXVN