1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Khát vọng tự do chiến thắng bom đạn của kẻ thù”

(Dân trí) - “Không có quân đông, vũ khí nhiều, vậy bằng sức mạnh nào, chúng ta thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ? Đó là với ý chí độc lập, khát vọng tự do, tinh thần dân tộc chân chính, người Việt Nam chiến thắng bom đạn của kẻ thù”, PGS Sử học Lê Mậu Hãn nói.

Cũng theo Phó Giáo sư (PGS) Sử học Lê Mậu Hãn, chính người Mỹ đã thừa nhận một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa của họ tại Việt Nam là họ đã đánh giá thấp sức mạnh chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam. Chính điều đó đã thúc đẩy một dân tộc đấu tranh, hi sinh cho lý tưởng và giá trị đó.

PGS Lê Mậu Hãn chia sẻ, những ngày tháng 4, Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước luôn gợi lại trong ký ức của ông những kỷ niệm khó quên. “Khi giải phóng, tôi xin đi nhờ xe của bộ đội từ Hà Nội về quê (Quảng Trị). Trên đường, vừa đi tôi vừa khóc vì thấy tổn thất nhiều quá, xóm làng tan nát. Ký ức đấy, tôi giữ trong lòng, tạo động lực để học tập, làm việc, vượt qua nỗi đau, xây dựng quê hương, đất nước sau này”, PGS Lê Mậu Hãn nhớ lại.

Phó Giáo sư Sử học Lê Mậu Hãn
Phó Giáo sư Sử học Lê Mậu Hãn

Theo PGS Lê Mậu Hãn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 là một cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc tiêu biểu của nhân dân ta. Cuộc chiến tranh đã kéo dài hơn hai thập niên (từ tháng 7/1954 - 5/1975), dài hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử và phải chống lại một đế quốc Mỹ lớn mạnh.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20.

“Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của ý chí độc lập, khát vọng tự do, sức mạnh, trí tuệ toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ kế cận tiếp theo”, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn nói.

Phân tích về quyết định đánh “thần tốc” trong chiến dịch năm 1975, Giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng, tính toán tương quan lực lượng giữa hai bên có lợi thế cho chúng ta do địch đã suy yếu ở nhiều vùng. Do vậy, khi thấy thời cơ đến, chúng ta quyết đánh nhanh, tiến nhanh theo phương hướng, kế hoạch rõ ràng… để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Quang Phong