Về dự lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên thăm và dự lễ cắt băng khánh thành tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan ở dãy núi Đại Huệ.
Công trình bảo tồn, tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan được khởi công xây dựng từ ngày 21/7/2010, đến nay đã hoàn thành. Khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trong Dự án quy hoạch tôn tạo và bảo tồn di tích Kim Liên, thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An với diện tích gần 300m2, thực hiện theo phương án thiết kế của Công ty Tư vấn (Đại học Xây dựng Hà Nội).
Mô hình thiết kế khu lăng mộ được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân từ năm 2004. Theo thiết kế, phần mộ giữ nguyên tại chỗ, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Toàn bộ các phiến đá khi được ghép vào với nhau sẽ tạo ra hình cách điệu của một bông sen. Trước khu mộ được mở rộng thành hình vòng cung, hoà hợp với địa hình và tạo một góc nhìn rộng. Không gian xung quanh đều có mái che, thể hiện không khí trang nghiêm, ấm cúng và thuận lợi cho khách hành lễ khi mưa, nắng.
Toàn cảnh khu vực mộ bà Hoàng Thị Loan
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, thuộc dãy núi Đại Huệ, nhìn ra Sông Lam, là một địa danh lịch sử văn hóa thiêng liêng. Năm 1942, người anh cả của Bác, ông Nguyễn Sinh Khiêm, đã đưa hài cốt bà Hoàng Thị Loan về an táng tại đây. Để tỏ làng thành kính thân mẫu của Bác Hồ, năm 1984, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh và Lực lượng vũ trang QK 4 đã xây dựng Khu mộ bà Hoàng Thị Loan.
Việc bảo tồn, tôn tạo lần này có ý nghĩa to lớn về chính trị, văn hóa, xã hội, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của toàn dân tộc Việt Nam đối với người mẹ có công sinh thành, dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Khu mộ bà Hoàng Thị Loan đã trở thành một địa chỉ thân thuộc của triệu triệu người dân khi về thăm quê hương Bác Hồ kính yêu. Trong tâm thức của người dân Việt Nam, bà đã trở thành bậc Quốc mẫu- biểu tượng cao đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam.
Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã cắt băng khánh thành công trình tôn tạo Khu mộ bà Hoàng Thị Loan và thành kính dâng hoa, hương tưởng niệm.
Trước đó ngày 2/6, các vị đại biểu cũng đã viếng mộ bà Hà Thị Hy - bà nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh - và báo công với Bác Hồ tại nhà tưởng niệm Khu di tích Kim Liên.
Chủ tịch nước thắp hương tại khu mộ cụ Hà Thị Hy - bà nội Bác Hồ.
Lễ khánh thành Khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan là sự kiện nổi bật trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An.
Hàng ngàn người dân cùng về dự lễ.
Cũng trong khuôn khổ Lễ khánh thành đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen” tái hiện cuộc sống gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc từ thuở cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới chào đời cho tới khi trở thành chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Chương trình đã khiến hàng ngàn dự lễ rơi nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Hồng, 45 tuổi, xã Nam Giang nói: “Đã hơn 40 năm qua tôi chưa từng được xem chương trình biểu diễn nào xúc động như thế này!”.
“Từ lâu tôi chỉ biết về gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc qua các trang báo, thông tin truyền thông nhưng với màn biểu diễn nghệ thuật này đã làm cho tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác Hồ, nhận thấy được cuộc sống gia đình cụ Sắc thật giản dị mà cao quý. Chính từ cuộc sống đó đã làm nên con người Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại...” - ông Nguyễn Đăng Toàn, một người dân của huyện Nam Đàn, chia sẻ.
Cảnh bà Hoàng Thị Loan căn dặn con Nguyễn Sinh Khiêm trước lúc bà lâm bệnh, rằng phải chăm sóc em trai là Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Nguyễn Duy - Dương Cầm