1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh thành cầu 800 tỷ đồng nối liền biên giới Việt Nam - Campuchia

(Dân trí) - Cầu Long Bình - Chrey Thom có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng đã được khánh thành sáng nay, 24/4, nối liền tỉnh An Giang của Việt Nam và tỉnh Kandal - Campuchia. Đây là công trình giao thông lớn thứ hai tại Campuchia được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Decho Hun Sen cắt băng khánh thành cầu Bình Long - Chrey Thom

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Decho Hun Sen cắt băng khánh thành cầu Bình Long - Chrey Thom

Dự án đầu tư xây dựng cầu Long Bình - Chrey Thom được khởi công xây dựng ngày 14/1/2014. Dự án có tổng chiều dài cầu và tuyến đường hai đầu cầu là 5.668m, riêng phần cầu dài 439,6m. Tổng mức đầu tư của dự án là 799.528 triệu đồng, tương đương 38,39 triệu USD. Kinh phí xây lắp, tư vấn và dự phòng phí phía Campuchia sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trị giá 18,76 triệu USD; các khoản chi phí còn lại sử dụng vốn Ngân sách Campuchia.

Phần thi công xây dựng 1/2 cầu phía Việt Nam đến điểm hợp long do Bộ Giao thông vận tải Việt Nam làm Chủ đầu tư, phần cầu phía Campuchia do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 thực hiện và phần đường dẫn vào cầu do Công ty Sok sokha (Campuchia) thực hiện. Tư vấn lập dự án và thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và Tư vấn giám sát là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình 625.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Long Bình - Chrey Thom là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia để thay thế phà hiện tại. Công trình này là một biểu tượng, một minh chứng sống động của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Đây là công trình giao thông lớn thứ hai tại Campuchia được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam (công trình thứ nhất là Quốc lộ 78 - PV), là tuyến đường bộ ngắn nhất nối thủ đô Phnom Pênh của Campuchia tới biên giới Việt Nam có chiều dài khoảng 70km.

Người dân Việt Nam và Campuchia đi bộ qua cây cầu mới, thay thế bến phà cũ (ảnh: Báo Giao thông)
Người dân Việt Nam và Campuchia đi bộ qua cây cầu mới, thay thế bến phà cũ (ảnh: Báo Giao thông)

Sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, tạo điều kiện giao lưu, thông thương cho khu vực cửa khẩu Khánh Bình, góp phần phát triển các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội cho nhân dân hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (Campuchia) nói riêng, góp phần ngày càng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tỉnh phía Tây Nam nói chung, đồng thời có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại những thành quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục, du lịch tiếp tục phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả tích cực; hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới tiếp tục được đẩy mạnh. Mặc dù vậy, vẫn phải thừa nhận thực tế là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn chưa thực sự xứng tầm với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lễ khánh thành cầu biên giới Long Bình - Chrây Thom đã được nhân dân hai nước mong chờ từ lâu vì sau khi được đưa vào sử dụng, cầu Long Bình - Chrey Thom sẽ chấm dứt “sứ mệnh lịch sử” của những chuyến phà hiện tại và trở thành tuyến đường ngắn nhất nối thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia tới biên giới Việt Nam, giúp cho người và phương tiện qua lại khu vực biên giới giảm được đáng kể thời gian so với việc sử dụng phà để qua lại như trước đây, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng như góp phần xóa đói giảm nghèo ở những khu vực biên giới còn nhiều khó khăn.

Hai Thủ tướng đều cho rằng cầu Long Bình - Chrây Thom không chỉ đơn thuần là công trình giao thông mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng và là biểu tượng tốt đẹp của tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Thay mặt Chính phủ hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Xăm-đéc Tê-chô Thủ tướng Hun Xen đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của hai Bộ Giao thông và các cơ quan liên quan của hai bên đã phối hợp chặt chẽ để cho ra đời cây cầu mang ý nghĩa lịch sử này.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Decho Hun Sen cho rằng công trình cầu Long Bình - Chrey Thom càng thắt chặt thêm tình hữu nghị của hai nước

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Decho Hun Sen cho rằng công trình cầu Long Bình - Chrey Thom càng thắt chặt thêm tình hữu nghị của hai nước

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Samdech Decho Hun Sen đã nhắc lại công ơn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer đỏ. Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời bình hiện nay Việt Nam vẫn tiếp tục giúp Campuchia xây dựng và phát triển đất nước ngày càng bền vững.

Châu Như Quỳnh - Hải Hành