Khẩn trương hoàn thiện chiến lược ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới

Quang Phong

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Chiều 25/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã làm việc với các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo về dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, các giải pháp được nêu trong dự thảo Chiến lược xoay quanh 4 mục tiêu lớn của chiến lược là giảm tỉ lệ người mắc Covid-19, tăng tỉ lệ bao phủ vaccine, giảm tỉ lệ tử vong, bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, gắn liền với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chiến lược gói gọn trong 2 năm và tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn vì diễn biến của dịch thay đổi rất nhanh.

Khẩn trương hoàn thiện chiến lược ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới (Ảnh: Đình Nam).

Các ý kiến tại cuộc họp tập trung làm rõ, cụ thể hơn về quan điểm, mục tiêu, biện pháp phòng, chống dịch, tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh… trong tình hình mới nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi các hoạt động đời sống, kinh tế.

Theo đó, chiến lược phải nêu bật quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên hết; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Công tác phòng, chống dịch đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước, "thống nhất Trung ương, linh hoạt địa phương", cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Yêu cầu đề ra là

phải kiểm soát đại dịch Covid-19 một cách sớm nhất, trong quá trình chống dịch Việt Nam không chậm hơn so với thế giới, tranh thủ cơ hội, lợi thế để phát triển, vươn lên, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước.

Chiến lược cần chú trọng, nhấn mạnh hơn nữa tinh thần chủ động, khoa học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, làm cơ sở để hướng tới cá nhân hóa trong phòng, chống dịch. Toàn bộ hệ thống y tế phải được tăng cường, củng cố để sẵn sàng ứng phó với các đại dịch lây nhiễm trong tương lai.

Về mục tiêu, chiến lược cần tập trung vào giảm tỉ lệ mắc Covid-19; giảm tỉ lệ tử vong; nâng cao năng lực ứng phó của hệ thống y tế nếu có biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 hoặc dịch bệnh mới; khôi phục, phát triển sản xuất, kinh tế, các mặt đời sống, sinh hoạt của người dân, học hành, đi lại, làm ăn, kinh doanh…

Trong các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn để trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan soạn thảo cần bổ sung tiêu chí đánh giá, đo lường sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị xem xét gom thành nhóm biện pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch gắn với trách nhiệm cụ thể với từng tiểu ban của Ban Chỉ đạo (Y tế; An sinh xã hội; An ninh trật tự; Tài chính, hậu cần; Vận động, huy động xã hội; Truyền thông…).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, sớm trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.