1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khấn thuê

“Con lạy chín phương trời, lạy mười phương Phật, con lạy Đức Thánh Bà có linh thiêng về giúp tín chủ con là (…) bịt mồm bịt miệng kẻ bán hàng bên cạnh, làm cho nó khuynh gia bại sản, sập tiệm để tín chủ con phát tài phát lộc, mua tươi bán tốt...”.

Khấn xong những lời đó, người phụ nữ xòe tay đòi 10.000 đồng tiền công khấn...

 

Đình Bia Bà La Khê (thị xã Hà Đông, Hà Tây) là di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1989. Nơi đây được coi là linh thiêng nên hằng ngày có hàng ngàn khách thập phương đến lễ cầu lộc, nhất là những ngày rằm, mồng 1 thì người đến đình Bia Bà đông nghịt.

 

Những người đến đây kháo nhau rằng gần đây ai có việc mà tìm đến Bia Bà nhờ được các bà ở đây khấn hộ thì làm ăn phúc lộc đầy nhà, việc gì cũng xong. Nghe vậy, chiều mồng 1 tháng 2 âm lịch tôi cũng thử đến đó nhờ các bà khấn xem... phúc lộc của mình tới đâu!

 

Hòa cùng dòng người nườm nượp đến lễ, tôi gặp chị Nguyễn Thị T. nhà ở Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một khách hàng quen thuộc của “dịch vụ khấn thuê”. Chị hồ hởi kể: “Nhờ bà khấn cho mà chuyến hàng mua vừa rồi ở Lạng Sơn trót lọt, qua mặt được cả công an lẫn người quản lý thị trường. Linh lắm em ạ”.

 

Tôi lớ ngớ bước vào lối đi nhỏ giữa hai dãy hàng quán bày bán la liệt hoa quả và đồ tế lễ. Thấy tôi lạ, một bà chạy ra kéo áo hỏi: “Thuê khấn phải không? Đã mua lễ chưa? Ra ngoài kia mua lễ vào đây tôi khấn cho. Rẻ thôi...”. Theo tay bà chỉ, tôi đi ra hàng cô H. mua lễ.

 

Đến khi tôi trở vào thì bà C. đã bận khấn cho mấy khách mới. Nhìn một lượt các bà khác như bà H., bà Tr., bà S... cũng bận như thế. Nhưng phải đến lượt mình, tôi mới hoàn toàn tin “dịch vụ khấn thuê” là thật chứ không phải là tin đồn như tôi vẫn nghĩ.

 

Đa số người đến đây nhờ các bà khấn cho đều có chuyện: người thì xin được mua trôi bán lọt, người thuê các bà xin cho việc chạy chọt thành công để con mình được vào làm chỗ này chỗ nọ, thậm chí còn có những sinh viên đến thuê các bà khấn cho mình không phải thi lại môn này môn kia trong kỳ thi hết học phần...

 

Theo những người bán hàng quanh Bia Bà, dịch vụ khấn thuê đã tồn tại hàng chục năm nay. Đã có nhiều cá nhân, tổ chức phản đối và phản ảnh tình trạng trên đến các cơ quan chức năng nhưng dịch vụ khấn thuê vẫn tồn tại và ngày càng... đông đúc. 

  

Để làm ăn cho “chuyên nghiệp” và nhất là để tránh việc tranh giành khách của nhau, những thầy khấn ở Bia Bà tự họp lại và thành lập đội khấn thuê do bà thầy khấn tên S. làm đội trưởng. “Đội trưởng được ưu tiên khách trước và có quyền chỉ định ai làm thầy khấn cho khách tiếp theo, còn không thì cứ theo thứ tự xếp hàng, bà T. kể tiếp. Trước kia chưa lập đội thì chuyện các bà tranh giành khách nhau là thường, nhưng bây giờ kỷ luật lắm rồi. Khách quen của bà nào thì bà ấy cứ thế mà giữ, không ai dám tranh của ai”.

  

Tiền công khấn thì "tùy tâm", nhưng cũng phải hậu một chút thì các bà mới khấn cho tử tế. Thường thì mỗi một lần khấn, khách thường trả cho thầy khấn từ 10.000 đồng trở lên.

 

Anh Đỗ Quang V., nhà ở phường Cát Bà, Hải Phòng, cho biết, mỗi lần nhờ thầy khấn, anh đều dâng lễ 20.000 đồng. Sợ dâng ít các bà chê mà không khấn cho cẩn thận.

 

Ngoài tiền công khấn, các bà còn “ăn rơ” với một hàng bán lễ. Một hàng bán lễ cửa đình khoe: “Những ngày đông khách, mỗi ngày cũng “làm” được vài trăm ngàn, hên hơn thì có ngày nửa triệu, các bà nếu đem lễ đã dùng ra cho cửa hàng thì được chia cho 50%.

 

Nói vậy chứ các bà còn kiếm hơn mình. Vào đúng ngày như hôm nay thì cả tiền công tiền lễ có bà đút túi cả triệu bạc chứ ít gì”. Cuối buổi chiều, lại gần một bà thầy khấn ngồi nghỉ đếm tiền, tôi nghe tiếng thở dài: “Tệ thật! Làm ăn như thế này mà được có bốn trăm ngàn...”.

 

Theo Tuổi Trẻ