1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Huế:

Khách du lịch sợ “cái bang”

(Dân trí) - “Tôi đã đi du lịch ở rất nhiều nơi, cả trong nước và ngoài nước, nhưng chưa ở đâu có đội ngũ ăn xin “hùng hậu” như ở thành phố Huế! Trẻ có, già có, phụ nữ có, đàn ông có, người tàn tật có mà người không tật bệnh gì cũng có…!” - anh Tuấn, một du khách Hà Nội ngán ngẩm trước thực trạng “cái bang” ở TP Huế.

Nếu bạn đã một lần đến TP Huế, bạn sẽ thấy hễ bước ra khỏi nhà là gặp ngay ăn mày! Đội ngũ này có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố. Từ nhà hàng, khách sạn sang trọng đến những quán cơm, quán cà phê bình dân, ở cửa các siêu thị, trên đường phố,...

 

Trên đường Lý Thường Kiệt thường xuyên có một ông cụ dắt chiếc xe đạp “thủng xăm” vừa đi thảm thiết nói: “Xe cụ hỏng mà nhà mãi tận Hương Trà (cách TP Huế khoảng 15km - PV) làm ơn cho cụ vài đồng bạc lẻ để sửa xe về”. Nhiều người thương cụ cho tiền, nhưng đến tối hôm sau, vẫn thấy cụ... dắt chiếc xe đạp hỏng. Cụ cứ “hỏng xe” liên miên như thế, ngày này qua ngày khác, đến nỗi ai hay đi qua đoạn đường đó đã thành quen.

 

Nhưng kiểu xin của cụ già này vẫn còn “lịch sự” chán. Nhiều người thực hiện kiểu “khổ nhục kế”, xông thẳng vào nhà hàng, đến thẳng bàn ăn của khách, chìa ra cơ thể nhớp nhúa, bẩn thỉu, thậm chí lở loét của mình. Du khách không thể không cho tiền, mà có cho rồi cũng chẳng thể ăn được nữa.

 

Các quán cà phê, mỗi buổi tối có khi phải “tiếp” hàng chục lượt ăn xin. Người ăn mày còn đông hơn người vào quán uống nước. Có khi khách vừa bước vào đã bị đội quân này vây lấy, ai dại dột cho tiền một người thì sẽ bị cả chục người khác bám theo đòi “công bằng”.

 

Anh Thành, chủ một quán cà phê, cho biết: “Quán chủ yếu dành cho khách nước ngoài nên có thuê bảo vệ ngăn đội quân ăn xin. Nhưng không hiểu sao chúng vẫn vào được, khiến lượng khách đến quán ngày càng giảm”.

 

Một trong những nơi tập trung đông ăn xin nhất có lẽ là các khu chợ, nơi có nhiều du khách đến mua sắm. Tại chợ Đông Ba luôn thường trực khoảng vài chục người ăn xin, họ “thầu” cả khu chợ. Khách vừa bước vào chợ đã có mấy đứa trẻ vây quanh với thân hình thảm hại, rách rưới. Bước lên cầu thang trong chợ có ngay 2 ăn mày ngồi án ngữ hai bên, không để ai “thoát”. Tình trạng này cũng diễn ra ở các chợ An Cựu, chợ Phước Vĩnh, chợ Hai Bà Trưng…

 

Trong khi đó, tại các trụ sở ngân hàng, bưu điện trung tâm, thấp thoáng bóng dáng những người “mẹ” trẻ dắt “con” đi ăn xin. Những đứa trẻ thậm chí còn đỏ hỏn cũng bị đem ra làm công cụ kêu gọi lòng thương của mọi người.

 

Nhiều đứa trẻ kéo nhau cả đoàn đi ăn xin, hết kể khổ chúng lại van nài, có đứa còn quỳ xuống lạy khách rồi ngửa tay xin tiền. Nhiều du khách, người dân biết là bị lừa nhưng trong cảnh đó không thể làm ngơ.

 

Đội quân “cái bang” này có tổ chức rất chặt chẽ. Chúng tập trung, phân chia địa điểm, khu vực “làm ăn” rất rõ ràng. Cứ cuối ngày chúng lại họp nhau lại để chia thành quả “lao động”, người chịu trách nhiệm chia là người đứng đầu tổ chức. Mỗi thành viên của tổ chức cũng phải đóng quỹ đàng hoàng, ai muốn “làm ăn riêng” sẽ bị “xử lý”.

 

Tuy nhiên, cũng có không ít kẻ ăn xin hành nghề riêng mà không cần sự giám sát. Họ thường hoạt động vào ban đêm khi mà “tổ chức ăn xin” đã nghỉ và ở những địa điểm không ai ngờ tới!

 

TP Huế là một địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhưng dù rất yêu cảnh quan nơi đây, nhiều du khách vẫn một đi không trở lại bởi họ đã có ấn tượng quá xấu về một Huế với hàng trăm kẻ ăn mày liều lĩnh, thô lỗ, lì lợm, luôn làm phiền du khách ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Còn đâu “Huế đẹp Huế thơ” khi khắp nơi chỉ thấy toàn ăn xin bẩn thỉu, rách rưới, lở loét, thê lương!

 

“Đi du lịch mà theo sau luôn có cả một đội quân “áo giẻ”, lúc nào cũng vây lấy làm cho tôi và gia đình không thấy thoải mái tí nào. Có lẽ lần sau gia đình tôi sẽ đi du lịch ở nơi khác!” - anh Hải, một khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh nói.

 

Bá Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm