Khắc khoải ngóng tin con đang mắc kẹt tại Libya
(Dân trí) - “Hôm nó điện thoại về nói, bên Libya mấy ngày nay mỗi người được ăn có cái bánh mì, đi đâu cũng không dám vì súng nổ vang trời... Hôm nay tôi điện thoại liên tục cho cháu mà không hề liên lạc được gì...", chị Lưu ở Nghi Lộc, Nghệ An kể.
Mong hai con không bị chia ly trong bạo loạn
Nhờ người dẫn đường cuối cùng PV Dân trí cũng có mặt tại nhà ông Nguyễn Sóng Hồng, xóm Xuân Khánh, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, bố của hai anh em Phương và Nam hiện đang mắc kẹt tại Libya.
Khi chúng tôi đến, vợ ông Hồng, bà Nguyễn Thị Truyền đi đi lại lại, đôi mắt đỏ hoe, trũng sâu vì đã mấy đêm nay thức trắng khóc, lo lắng cho hai đứa con đang mắc kẹt tại Libya. “Cả hai đứa hôm trước gọi điện thoại về cho gia đình bảo, chúng con ở bên này chết đói mất thôi, bạo loạn xảy ra, ông chủ bỏ chạy, các lao động Việt Nam bơ vơ như gà mất mẹ ấy... Giờ anh em chúng con mỗi ngày được ăn cái bánh mì thôi...”, nói đoạn bà Truyền khóc nức nở.
Khi PV hỏi về thời điểm đi lao động của hai em, ông Hồng vội vàng chạy vào nhà đem ra cuốn vở. Trong cuốn sổ ông Hồng ghi rõ, Nguyễn Ngọc Phương đi Libya ngày 1/1/2011 và Nguyễn Ngọc Nam đi ngày 8/4/2010. Tổng cộng số tiền hai anh em đi là 86 triệu. Để cho hai đứa con đi xuất khẩu lao động sang Libya, ông Hồng đã phải cắm sổ đỏ vay ngân hàng gần 100 triệu đồng.
Vừa cầm cuốn sổ gấp lại, ông Hồng vừa đưa bàn tay chai sạn lau nhẹ đôi mắt đỏ hau rồi bảo: “Tôi giờ chỉ trông hai thằng được an lành”. Cụ Mai Thị Nguyệt (88 tuổi) bà nội của Phương và Nam ngồi run run bên cạnh cũng vội vàng đưa bàn tay gầy guộc lau nước mắt và bảo: “Chú ơi, thế hai thằng cháu tôi khi nào nó về được Việt Nam đấy? Không biết nó sống chết bên đó thế nào hả chú? Có nhiều người ở với nó bên đó không chú hầy....?”, cụ Nguyệt hỏi liên hồi.
Chị bảo: “Ngày xảy ra hỗn loạn anh điện thoại gấp về gặp chị nói mọi thứ bên này căng thẳng lắm và chẳng biết làm sao. Sau đó anh mất hút và điện thoại cũng không liên lạc được nữa. Hôm 27/2 anh ấy lại điện thoại về và bảo, thằng con không biết tin tức ở đâu cả, điện thoại không thể liên lạc được. Nghe chồng nói vậy tôi như nổ tung ruột, giờ thì biết mần răng đây chú?”. Chị Lưu tâm sự.
Chị Lưu cũng cho biết thêm từ ngày xảy ra hỗn loạn ở Libya, đứa con của chị Cao Xuân Lương chỉ mới điện thoại về hôm 28/2 sau đó là mất liên lạc luôn. “Hôm nó điện thoại về nói với tôi bên Libya mấy ngày nay mỗi người được ăn có cái bánh mì, đi đâu cũng không dám vì súng nổ vang trời khiếp lắm, như chiến tranh ấy... Thế nhưng hôm nay (1/3) tôi điện thoại liên tục cho cháu mà không hề liên lạc được gì, biết cháu nó có sao không nữa đây”?, chị Lưu nói.
Gánh nợ mang tên xuất khẩu lao động
Cho nên việc kiếm tiền tích cóp để trả nợ ngân hàng với gia đình ông là điều mơ ước viển vông. Cái rõ nhất, thấy trước mắt đó là khoản nợ ngân hàng hơn 130 triệu đồng thì có khi đời con cũng không trả xong. “Mong hai thằng con đi xuất khẩu sẽ đổi đời, các em của nó sẽ học hành đến nơi đến chốn. Giờ thì tan giấc mộng đổi đời rồi chú à...”, ông Hồng chia sẻ.
Lâm cảnh nợ nần như ông Hồng, còn có chị Lưu, anh Hùng... nợ ngân hàng từ 40 - 80 triệu đồng cũng đang lo ngay ngáy. Nhưng giờ đây, gạt đi khoản nợ khổng lồ đó, họ đang từng giờ mong tin con từ ngoại quốc được trở về bình yên. “Còn có con người thì ắt sẽ làm được tất cả, nợ nần sẽ trả được. Chỉ mong các con bình yên trở về”, các gia đình tâm sự cùng PV.
Nguyễn Duy